SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Đức Thánh Cha Phanxicô tại Auschwitz: Thinh lặng và cầu nguyện

“Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa. Lạy Chúa, xin thứ tha sự độc ác lớn lao này”, Đức Thánh Cha đã viết như vậy trong cuốn sổ vàng tại Đài kỷ niệm về Auschwitz, sau khi chào hỏi lâu giờ mười một người sống sót.

Thành Thi chuyển ngữ

 

WHĐ (30.07.2016) – Hôm thứ Sáu 29-07 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới thăm trại Auschwitz, bên lề chương trình Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow. Một cuộc viếng thăm được đánh dấu bằng việc âm thầm cầu nguyện “trước sự tàn bạo dường ấy”.

 

Chỉ có sức mạnh của cầu nguyện. Tại nơi tưởng niệm của trại Auschwitz; trong căn phòng nhỏ của thánh Maximilien Kolbe, bị giết chết ở tuổi 75 sau khi thế chỗ của một người cha gia đình; dọc các tấm bia của đài kỷ niệm của các dân tộc ở Birkenau, nhắc nhở tới 1,1 triệu nạn nhân, chủ yếu là người Do Thái, đã bị giết ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn thái độ cầu nguyện và thinh lặng khi đến viếng trại Auschwitz-Birkenau hôm thứ Sáu 29-07.

 

Một lời cầu nguyện cho con người và để xin tha thứ. “Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa. Lạy Chúa, xin thứ tha sự độc ác lớn lao này”, Đức Thánh Cha đã viết như vậy trong cuốn sổ vàng tại Đài kỷ niệm về Auschwitz, sau khi chào hỏi lâu giờ mười một người sống sót. Một trong số những người này mới có hai tuổi khi bị đưa vào trại năm 1944.

 

 

“Vô cùng tàn bạo”

Đức Thánh Cha có thể nói gì trước “sự tàn bạo dường ấy”? Vào năm 1979, trong một nước Ba Lan còn rùng mình khi nói về các nạn nhân người Do Thái trong vụ Shoah, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhớ tới dân Do Thái. “Ngài đã nói về sự tàn bạo này xa hơn cả điều giới cầm quyền cộng sản đã nói. Thậm chí ngài đã khiến quần chúng vỗ tay tôn vinh dân Do Thái, là điều chẳng hiển nhiên chút nào”, Bernard Lecomte, báo La Croix, theo dõi chuyến tông du khi ấy nhớ lại.

 

Năm 2006, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, với tính cách “người con của dân tộc Đức”, đã nêu đích danh Shoah, và nhìn nhận rằng “tại một nơi như nơi này, người ta chẳng còn đủ lời để nói” và rằng “trong thực tế, người ta chỉ có thể thinh lặng trong kinh hãi”.

 

Sau Đức giáo hoàng người Ba Lan và Đức giáo hoàng người Đức, Đức giáo hoàng người Achentina còn có thể nói gì ngoài sự thinh lặng và cầu nguyện?

 

Bài ca của đớn đau và hy vọng

 

Tại Birkenau, ở cuối con đường sắt, nơi hàng chục ngàn người Do Thái xuống tàu để đi thẳng tới các phòng hơi ngạt, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục thinh lặng ngay cả khi vị rabi xướng lên Thánh vịnh 130 bằng tiếng hipri. De profundis [Từ vực sâu], quen thuộc đối với người Do Thái và tín hữu Kitô giáo, là một bài ca của nỗi đau đớn nhưng cũng còn là bài ca của niềm hy vọng.

 

Nhưng Đức Thánh Cha đã tới chào đón chính niềm hy vọng của nhân loại, hiện thân nơi 25 “người Công chính giữa các dân tộc”, họ đại diện cho những ai, trong thế chiến thứ hai, đã bảo vệ người Do Thái khỏi bị sát hại.

 

Sau buổi sáng đáng ghi nhớ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Krakow, nơi ngài sẽ tiếp tục chương trình của ngày dành cho “cuộc gặp gỡ những nỗi đau và sầu khổ dưới nhiều hình thức khác nhau”, nói theo ngôn ngữ của cha Federico Lombardi.

 

Một ngày trung tâm

 

Buổi chiều, Đức Thánh Cha đi thăm các bệnh nhân trẻ em tại một bệnh viện nhi trước khi tới chủ sự Đàng Thánh Giá Ngày Giới trẻ Thế giới tại công viên Blonia.

 

Cha Lombardi giải thích: “Đối với tôi, đây có thể là một ngày cực kỳ chính yếu, nhất là trong những giờ phút chúng ta đang phải sống những nỗi khắc khoải, đớn đau, các vụ khủng bố, chết chóc, những xung khắc đang vây quanh chúng ta”; và theo cha, Đàng Thánh giá tối thứ Sáu, về những việc làm của lòng thương xót, hẳn sẽ là cơ hội để Đức giáo hoàng Phanxicô đồng hành cùng người trẻ “trên những chặng đường đương đầu với niềm đau”.

 

(Nguồn: WHD- Theo La Croix)