HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Nhân danh Đức Kitô

Nếu chúng ta biết nhân danh Chúa để ứng xử trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng niềm vui, vì chúng ta đang cộng tác với Chúa để làm cho Tin Mừng được loan báo trên quê hương...

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều kết thúc tác phẩm của mình bằng lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Người sai họ đi khắp trần gian để tiếp nối sứ mạng của Người là loan báo Nước Trời. Riêng Máccô và Luca còn thuật lại việc Chúa Giêsu được cất lên trời. Xét về phương diện con người trần thế, Chúa Giêsu đã khởi đầu cuộc sống trần gian trong ngày Truyền tin và đã kết thúc với sự kiện Người “được cất lên trời”. Tuy vậy, vào lúc cuộc sống nơi trần gian của Chúa Giêsu đã kết thúc, một trang sử mới được mở ra. Chúa Giêsu không rời xa các môn đệ, nhưng Người ở với họ như lời Người đã hứa. Ý thức được sự hiện diện linh thiêng đó, các môn đệ, mỗi khi làm việc gì, nhất là khi cầu nguyện và làm phép lạ, đều nhân danh Đức Kitô, nhờ đó mà những việc họ làm đều mang lại những hiệu quả kỳ diệu.


Trước khi rời các môn đệ để về trời, Người hứa, từ nay, “nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16, 17-18). Như thế, khi nhân danh Đức Kitô, các môn đệ làm được những gì Người đã làm. Họ được trao ban quyền năng của Con Thiên Chúa. Họ trở nên hiện thân của Đức Kitô nơi trần gian. Lần đầu tiên, quyền năng này được áp dụng với việc chữa lành cho người có cánh tay bị bại liệt ở cửa Đền thờ. Phêrô đã mạnh dạn nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3, 6). “Cái tôi có” đối với Phêrô, đó là nhân danh Đức Giêsu. Đây là điều quan trọng làm nên căn tính của người tông đồ. Ông coi việc nhân danh Đức Kitô là sở hữu quan trọng, nếu không phải duy nhất của đời mình. Nhờ nhân danh Người mà ông và các tông đồ có thể làm được những phép lạ giống như Chúa Giêsu đã làm khi còn ở dương thế. Phản ứng của dân chúng khi chứng kiến những điều lạ lùng do các tông đồ thực hiện cũng giống như phản ứng khi họ thấy Chúa Giêsu làm phép lạ. Đó là sự ngạc nhiên, rồi sau đó là lời tôn vinh tán tụng quyền năng Thiên Chúa. Nhờ các phép lạ, lời giảng dạy của các tông đồ có thêm uy quyền và số người gia nhập Đạo Chúa tăng lên rất nhanh.


Chúa Giêsu cũng hứa với các môn đệ, nếu họ cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Người, thì họ sẽ được nhận lời (x. Ga 15,16). Tuân theo lệnh Chúa, trong lời cầu nguyện của mình, Giáo Hội luôn luôn kêu cầu danh Chúa Giêsu, cậy nhờ công nghiệp của Người trên thập giá để những lời xin được Chúa Cha chấp nhận: “Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”. Giáo Hội ý thức rằng, lời cầu nguyện chỉ có giá trị khi nhân danh Đức Kitô, để nhờ Người chuyển cầu lên Chúa Cha. Cũng nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta có thể thân thưa với Chúa Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…


Nhân danh Đức Kitô, các môn đệ và những người kế tiếp đã mạnh dạn lên đường. Họ đến với các quốc gia, các nền văn hóa, các chủng tộc để đem cho họ ánh sáng của Tin Mừng. Thế kỷ 17 của lịch sử Giáo Hội được đánh giá bằng sự hăng say nhiệt huyết lên đường của các thừa sai Âu Châu. Họ nhân danh Đức Giêsu để đến với mọi nơi trên thế giới. Công lao của họ rất đáng ghi nhận không chỉ trong đời sống Đức tin, mà còn trong lãnh vực văn hóa và phát triển nhân sinh. Tiếc rằng, do những thành kiến của xã hội và do hoàn cảnh lịch sử, nhiều khi sự đóng góp của họ không được công nhận và lượng giá đúng mức, thậm chí còn bị xuyên tạc và bóp méo sai sự thật.


Lịch sử Giáo Hội cũng được tô đậm bằng máu của vô số các vị tử đạo thuộc mọi lứa tuổi, mọi trình độ văn hóa, mọi chủng tộc và mọi ngôn ngữ. Họ là những người mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu là lý tưởng cao quý nhất của cuộc đời. Họ không chỉ tuyên xưng bằng môi miệng, nhưng bằng chính mạng sống của mình. Nhờ máu các thánh tử đạo, từng đoàn từng lớp các thế hệ tín hữu đã được sinh ra và lớn lên, làm thành những cộng đoàn đông đảo, tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, trung thành gìn giữ di sản Đức tin.


Nếu danh Đức Kitô thường được kêu cầu để chiến thắng sự ác, để hòa giải những mâu thuẫn, để gieo mầm yêu thương, thì tiếc thay, có những người nhân danh Đức Giêsu để gây chia rẽ, khắc sâu oán thù. Thế giới hôm nay bị ám ảnh về những nhóm Hồi giáo quá khích. Họ nhân danh Đức Alla (Thiên Chúa) để giết hại những người dân vô tội. Họ tuyên bố những cuộc “thánh chiến” chống lại người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã tiên báo điều này:“Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa” (Ga 16,2).


Người tín hữu là người nhân danh Đức Kitô trong cuộc sống. Danh xưng Kitô hữu nhắc nhớ những ai tin vào Chúa phải làm cho hình ảnh của Người luôn tỏa rạng nơi cuộc đời mình. Nhờ nhân danh Đức Kitô, mà chị lao công quét rác, anh nông dân trên cánh đồng, người công nhân trong hãng xưởng, người thư ký trong văn phòng… đều là những hình ảnh sống động của Đấng đã hiến mình vì yêu thương. Nhân danh Đức Kitô, người tín hữu có thể khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).


Sứ mạng loan báo Tin Mừng được trao cho mọi tín hữu. Chúng ta loan báo Tin Mừng không phải vì những lợi lộc vật chất, nhưng vì tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta (x. 2Cr 5,14). Những hoạt động truyền giáo chỉ mang lại kết quả khi được thực hiện nhân danh Đức Kitô và với tâm tình của Đức Kitô. Lịch sử đã chứng minh, khi nào việc loan báo Tin Mừng núp bóng quyền lực trần thế hoặc được thực hiện bởi những phương tiện trần gian, dù mang lại những kết quả rất ấn tượng trước mắt, nhưng không tồn tại lâu bền.


Mang trong mình Đức Kitô, mỗi chúng ta được Người sai đi để qua con người và cuộc sống của chúng ta, Chúa đang hiện diện giữa mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống. Nếu chúng ta biết nhân danh Chúa để ứng xử trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng niềm vui, vì chúng ta đang cộng tác với Chúa để làm cho Tin Mừng được loan báo trên quê hương đất nước thân yêu này.


(Nguồn: WHĐ)