HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Quà tặng thời gian

Trong muôn vàn quà tặng Chúa ban cho con người, có một món quà vô cùng quý giá, đó là thời gian.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

Theo nhãn quan Đức tin Kitô giáo, con người hiện hữu, sống động là nhờ có Chúa. Ngài là nguyên lý của mọi loài và là nguồn mạch của mọi ân sủng. Mọi sự tốt lành đều là ơn Chúa ban. Trong muôn vàn quà tặng Chúa ban cho con người, có một món quà vô cùng quý giá, đó là thời gian. Món quà thời gian cũng quý giá như sự sống, bởi lẽ, thời gian đi liền với sự sống trần gian của con người. Khi nói ta sống ở đời 80 năm, cũng có nghĩa là ta có món quà thời gian 80 năm Chúa ban tặng. Mỗi ngày, chúng ta được tặng một quỹ thời gian là một ngàn bốn trăm bốn chục phút (24 giờ). Nếu khi kết thúc một ngày, mà chúng ta không sử dụng thì “tài khoản thời gian” đó sẽ đóng lại và hết tác dụng.
 
 
Nhiều người biết quý trọng thời gian, nên biết sử dụng thời gian hợp lý để hoàn thiện bản thân và mang lại những điều tốt đẹp cho người khác. Tiếc thay, có người lại không biết sử dụng thời gian, vô tình để thời gian trôi đi lãng phí, khi cuối đời nhìn lại, thấy cuộc đời trống rỗng, vô ích, lúc đó, chỉ còn ôm mối ân hận muộn màng.
 
 
Thời gian quý giá như thế nào? Một tác giả đã so sánh như sau:
 
 
– Để nhận biết giá trị của một năm, hãy hỏi một học sinh vừa rớt kỳ thi lên lớp.
 
 
– Để nhận biết giá trị của một tháng, hãy hỏi người mẹ vừa sinh con thiếu tháng.
 
 
– Để nhận biết giá trị của một tuần, hãy hỏi người chủ bút của tờ báo hàng tuần.
 
 
– Để biết giá trị của một giờ, hãy hỏi những tình nhân đang chờ đợi để gặp nhau.
 
 
– Để biết giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa lỡ một chuyến đi.
 
 
– Để biết giá trị của một giây, hãy hỏi người vừa thoát khỏi một tai nạn.
 
 
– Để biết giá trị của một phần mười giây, hãy hỏi người đạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympics (Nigel Risner, Hãy sống một đời đáng sống, tr 44-45).
 
 
Thời gian như dòng sông, luôn lững lờ trôi. Con người vốn vô tình, không nhận ra giá trị của những phút giây mình đang được hưởng. Nói về giá trị của thời gian, một triết gia Hy Lạp, ông Heraclides (thế kỷ IV trước CN), đã viết: “Người ta không tắm hai lần trong một dòng sông”. Quả vậy, khi ta nói “hiện tại”, vừa khi lời nói được phát âm ra khỏi miệng, thì “hiện tại” ấy đã trở thành quá khứ. Người vừa tắm dưới sông, liền đó muốn quay trở lại, dòng nước đã thay đổi, không còn là dòng sông lúc trước nữa. Vì thời gian luôn trôi đi không bao giờ trở lại, nên mỗi người cần phải tận dụng thời gian, làm cho thời gian có ý nghĩa. Người chăm chỉ luôn biết tiếc thời gian, người lười biếng lại lãng phí thời giờ cách vô trách nhiệm. Người trân quý hiện tại luôn cảm thấy hai mươi bốn giờ quá ngắn để làm việc, người rỗi rãi lại thấy một ngày quá dài, không biết sử dụng làm gì.
 
 
Con người chỉ một lần sống trên đời, nên phải luôn cố gắng để sống tốt. Đừng làm điều gì ác để rồi ôm mối hận suốt đời. Biết sống thanh thản trong mọi hoàn cảnh là một chọn lựa khôn ngoan. Tích vàng tích bạc không bằng tích nhân tích đức, vì vàng bạc rồi cũng sẽ hết, nhưng nhân đức và lòng tốt còn lưu lại cho các thế hệ mai sau. Một người không may phải rơi vào cảnh tù tội, điều mất mát quan trọng nhất đối với họ là mất đi giá trị thời gian. Nếu bị kết án hai mươi năm trong tù, họ mất đi một phần cuộc đời. Trong thời gian một phần cuộc đời ấy, đời sống của họ như dừng lại, để rồi khi mãn hạn tù, họ cảm thấy mình lạc lõng với xã hội bên ngoài.
 
 
Người tin Chúa biết tận dụng thời gian để cảm nhận hạnh phúc đơn sơ trong cuộc sống đời thường. Tại sao chúng ta không nhận ra vào mỗi buổi sáng, khi hoàng hôn toả rạng, thiên nhiên cảnh vật huy hoàng lúc khởi đầu một ngày mới. Đó là niềm vui, là hạnh phúc mà chúng ta được chiêm ngắm tận hưởng. Rồi những bạn bè chúng ta gặp gỡ, những người thân quen cùng chung sống trong một mái nhà. Nơi họ có nhiều đức tính tốt đẹp mà chúng ta lại vô tình không nhận ra. Người tin Chúa còn hạnh phúc hơn nữa, vì biết rằng Chúa đang hiện diện trong đời mình, kể cả những lúc u tối và đơn côi nhất. Giống như trẻ thơ ngủ yên trên cánh tay mẹ hiền, người tín thác vào Chúa chắc chắn mình đang được bàn tay Chúa đỡ nâng bao bọc. Tin vào sự hiện diện của Chúa cũng giúp chúng ta cố gắng làm việc thiện, tránh việc ác, vì Chúa biết rõ mọi hành vi, tư tưởng của chúng ta. Nhờ sống trong tình phó thác trọn vẹn, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã coi mọi sự đều là hồng ân của Chúa, và luôn khám phá ra những khía cạnh tích cực qua những điều xảy đến trong cuộc sống hằng ngày. Các vị thánh không có giây phút nào buồn chán, vì họ chọn Chúa là gia nghiệp và nguồn hạnh phúc, và nhờ xác tín Ngài luôn hiện diện, nên cuộc sống của họ tràn đầy niềm vui.
 
 
Nhiều người thường có thói quen quên hiện tại, mà chỉ đau đáu một niềm nuối tiếc quá khứ đã qua, hay chỉ mơ mộng về một tương lai xa vời. Nhìn lại quá khứ để học hỏi kinh nghiệm, hướng về tương lai để định hướng cuộc đời. Đó là những điều cần phải làm. Tuy vậy, nếu nghĩ về quá khứ chỉ để dằn vặt, nuối tiếc và ôm mối hận, nếu mơ về tương lai chỉ để chạy theo những tham vọng ảo ảnh, để rồi đánh mất niềm vui của hiện tại, là hão huyền. Người khôn ngoan biết dựa vào kinh nghiệm của quá khứ và nhờ định hướng cho tương lai để hành động trong hiện tại. Người không chịu lên đường, sẽ chẳng bao giờ đến đích. Lên đường, chính là hành động của hiện tại. Hãy trân trọng những gì chúng ta gặp gỡ. Mỗi buổi sáng, đi ra đường, gặp một người tuy không quen, đừng tiếc lời chào hay cái vẫy tay, bởi vì có thể đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng ta gặp người đó trong đời. Hãy bao dung tha thứ, vì biết đâu ngày mai ta chẳng còn có dịp để nói lời tha thứ nữa. Cơ hội để làm việc tốt đến với ta cũng như dòng sông đang trôi đi mà chẳng bao giờ trở lại.
 
 
Các tác giả Tin Mừng kể với chúng ta, Chúa Giêsu là một người luôn luôn bận rộn và làm việc suốt ngày. Người đi rảo khắp các thành và làng mạc, rao giảng Nước Trời, xua đuổi ma quỷ, chữa lành các bệnh nhân, gặp gỡ an ủi và chúc lành cho người đau khổ. Vào lúc sáng sớm tinh sương, Người đã cầu nguyện với Chúa Cha tại nơi thanh vắng. Không dừng lại ở một nơi cố định, Người luôn sẵn sàng lên đường. Người đã nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thày còn rao giảng ở đó nữa, vì Thày ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta về cách sử dụng thời gian Chúa ban để đem lại ích lợi cho mọi người.
 
 
Món quà thời gian, tưởng chừng như đơn giản mà bao hàm ý nghĩa thật phong phú. Nếu biết quý trọng thời gian, cuộc đời này thật có ý nghĩa cho bản thân và cho những người xung quanh. Mỗi năm tết đến xuân về, là dịp để ta nghĩ về quà tặng thời gian, đồng thời tự vấn lương tâm về cách sử dụng thời gian của mình. Chúng ta hãy trân trọng đón nhận những giờ phút đầu tiên của năm mới, với tâm tình biết ơn cảm tạ, và với ước nguyện sẽ làm cho quà tặng thời gian sinh hoa kết trái trong đời mình.
 
 
(Nguồn: WHĐ)