TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Chăm sóc mục vụ cho người ly dị tái hôn: không chỉ là vấn đề rước lễ

Điều quan trọng là nhận ra rằng ngoài việc rước lễ còn có những cách khác nữa để ở trong mối tương giao bằng hữu với Thiên Chúa. Người ta có thể đến với Thiên Chúa bằng cách chạy đến với Người trong đức tin, đức cậy và đức mến, trong sám hối và cầu nguyện.

Minh Đức

 

WHĐ (26.10.2013) – Tiếp theo sau thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục khóa ngoại lệ vào tháng 10/2014 về chủ đề Chăm sóc mục vụ cho Gia đình, đã có những suy đoán rằng Thượng Hội đồng có thể thay đổi luật Giáo hội quy định người Công giáo đã ly dị và tái hôn không được rước lễ. Trong bối cảnh này, ngày 23-10, nhật báo L’Osservatore Romano của Toà Thánh đã đăng tải một bài viết dài của Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Tổng giám mục Gerhard Ludwig Müller, nói về vấn đề tái hôn và việc lãnh nhận các bí tích.


Mở đầu bài viết nhan đề “Quyền năng của ân sủng”, Đức Tổng giám mục Müller tái khẳng định giáo huấn của Giáo hội rằng hôn nhân là bất khả phân ly, và điều này được cả Thánh Kinh và Thánh Truyền minh chứng. Ngài thừa nhận rằng ngày nay những hiểu sai về ý nghĩa của hôn nhân khiến cho có nhiều cuộc hôn nhân bất thành hơn trước đây, nhưng các cặp vợ chồng không được tự ý phán quyết rằng cuộc hôn nhân của họ có phải là vô hiệu hay không.


Đức Tổng giám mục Müller viết: “Hôn nhân không chỉ đơn giản là mối tương quan của hai người với Thiên Chúa, mà còn là một thực tại của Giáo hội, một bí tích, và không phải cá nhân có quyền phán quyết tính hợp lệ của hôn nhân, nhưng quyền ấy thuộc về Giáo hội, là cộng đoàn mà các cá nhân được tháp nhập vào nhờ đức tin và bí tích Rửa tội”.


Đức Tổng giám mục Müller nói rằng ngài biết giáo huấn ấy không hề dễ chịu, nhưng những người đã ly dị và tái hôn nên biết rằng họ không đơn độc, và Giáo hội “là một cộng đoàn của sự cứu rỗi luôn đồng hành với họ”.


“Rõ ràng, việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị tái hôn không được giảm thiểu vào vấn đề lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhưng phải mở rộng hơn nhiều, và tìm cách đánh giá đúng đối với các tình huống khác nhau. Điều quan trọng là nhận ra rằng ngoài việc rước lễ còn có những cách khác nữa để ở trong mối tương giao bằng hữu với Thiên Chúa. Người ta có thể đến với Thiên Chúa bằng cách chạy đến với Người trong đức tin, đức cậy và đức mến, trong sám hối và cầu nguyện. Thiên Chúa có thể ban ơn cứu rỗi cho con người bằng nhiều cách khác nhau, ngay cả khi con người thấy mình đang sống đối nghịch [với ơn cứu rỗi]”.


(Vatican Radio)

(Nguồn WHĐ)