SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

GÓC SUY GẪM - MÙA DỊCH COVID 19 – Ngày 28.4.2020

Bài Tin mừng chúng ta nghe hôm nay cho thấy, trong thâm tâm của mình, những người Do thái xác tín rằng, Manna mà cha ông họ ăn xưa kia trong sa mạc trên đường trở về đất hứa, là bánh bởi trời đích thực.
 
 

Viết Cường, O.P.


1/ Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay)


‘Bữa sáng yêu thương' ấm lòng thanh niên công nhân khó khăn mùa dịch Covid-19


Những phần quà từ chương trình 'Bữa sáng yêu thương' làm ấm lòng những người công nhân xa quê, hiện rất khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

 

Khi nhận được phần ăn sáng và suất quà tại chương trình “Bữa sáng yêu thương” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ (Tỉnh đoàn Bình Dương) tổ chức, anh Võ Hoàng Kịch, công nhân Công ty TNHH Danu Sài Gòn (P.Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chia sẻ: "Tôi rất xúc động vì sự chia sẻ khó khăn kịp thời của trung tâm cũng như các tình nguyện viên. Phần quà thật sự đã làm ấm lòng những người công nhân xa quê, hiện rất khó khăn như tôi trong mùa dịch Covid-19".  

 

"Tôi thật lòng biết ơn rất nhiều"


Hoạt động này nhằm phát miễn phí suất ăn sáng và tặng quà nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn ở các khu công nghiệp, nhà trọ trong mùa dịch Covid-19.

 

Anh Kịch chia sẻ thêm: “Hiện tại mình đang nghỉ việc vì công ty thiếu nguyên liệu sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Tôi hy vọng trong thời gian tới, những chương trình như thế này vẫn được duy trì để hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn như tôi”.

 

Chị Trần Thị Hương (quê Bạc Liêu) mưu sinh bằng nghề bán vé số, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19  khiến cuộc sống lao đao, khốn khổ trăm bề.

 

“Sáng nay, khi hai mẹ con chưa biết ăn gì thì nghe mọi người nói trung tâm có phát đồ ăn sáng miễn phí, thế là mẹ con tôi chạy lại thì được các tình nguyện viên phát miễn phí cho 2 phần cơm tấm sườn nướng rất thơm ngon. Không những thế, các tình nguyện viên còn tặng một phần quà nhu yếu phẩm gồm 1 thùng mì gói, 5 kg gạo, 1 chai nước mắm, 1 chai dầu ăn, một thùng nước ngọt, kèm theo đó là khẩu trang y tế và chai nước rửa tay. Tôi thật lòng biết ơn rất nhiều. Vậy là đã có cái để nấu ăn qua ngày”, chị Hương chia sẻ cảm xúc về chương trình “Bữa sáng yêu thương”.

 

Kịp thời tiếp sức cho người lao động


Nói về ý tưởng thực hiện chương trình “Bữa sáng yêu thương”, anh Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương, cho biết: “Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều công nhân bị giảm giờ làm việc, tạm nghỉ việc hoặc mất việc khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn. Để kịp thời tiếp sức cho người lao động, chúng tôi đã vận động các mạnh thường quân thực hiện chương trình này để hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn”.

 

Anh Phùng thông tin thêm: “Mỗi tuần chúng tôi thực hiện 2 lần ‘Bữa sáng yêu thương’ vào ngày giữa tuần và cuối tuần. Mỗi ngày nấu khoảng 300-400 phần ăn sáng (bánh canh, cơm tấm, bún …) để tặng miễn phí cho người lao động khó khăn ở các khu công nghiệp, nhà trọ trong mùa dịch Covid-19. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp để phát quà nhu yếu phẩm cần thiết để giúp thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ duy trì chương trình này cho đến khi nào hết dịch Covid-19 để hỗ trợ thanh niên công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn trong khả năng của mình”.

 

Lê Thanh

 

(Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/bua-sang-yeu-thuong-am-long-thanh-nien-cong-nhan-kho-khan-mua-dich-covid-19-1211736.html)

 

2/ Những con số biết nói


Stt

Quốc gia

Đang nhiễm

Được chữa khỏi

chết

Tổng số

1

Hungary

1.805

498

280

2.583

2

Madagascar

53

75

0

128

3

Guinea

910

246

7

1.163

4

Việt Nam

48

222

0

270

 

 

 

 

 

 

Thế giới

1.928.133

919.746

211.202

3.059.081

 

Cập nhật lúc 6g40, ngày 28.04.2020


3/ Khuôn vàng thước ngọc (Ga 6,30-35), thứ Ba, tuần III Phục sinh)


Bài Tin mừng chúng ta nghe hôm nay cho thấy, trong thâm tâm của mình, những người Do thái xác tín rằng, Manna mà cha ông họ ăn xưa kia trong sa mạc trên đường trở về đất hứa, là bánh bởi trời đích thực. Bởi đó, mặc dù Đức Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người ăn no, họ vẫn không tin vào Ngài; bởi vì đối với họ, phép lạ hóa bánh ra nhiều không thể sánh được với phép lạ Manna xưa trong sa mạc.

 

Thế nhưng, Đức Giêsu đã cho người Do thái biết sự thật không phải như vậy khi Ngài nói: “Thật, Tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà là chính Cha Tôi cho các ông bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6, 32-33). Như thế, qua câu trả lời trên của Đức Giêsu, chúng ta biết bánh bởi trời đích thực phải hội đủ hai yếu tố: Trước hết, bánh đó phải thực sự từ trời xuống, nghĩa là phải đến từ Thiên Chúa. Kế đến, bánh đó phải mang lại sự sống thật, sự sống đời đời cho thế gian. Cả hai yếu tố ấy không có ở nơi bánh Manna mà chỉ có ở nơi Đức Giêsu. Do vậy, Ngài mới khẳng định với người Do thái: “Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35).

 

Người đời vẫn quan niệm: Quen quá hóa thường”. Xem chừng câu nói ấy cũng đúng trong đời sống đức tin của chúng ta, bởi vì còn phép lạ nào cả thể hơn phép lạ hằng ngày vẫn xảy ra trong mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự. Đó là qua lời truyền phép của linh mục, lập tức bánh trở nên Thịt Chúa và rượu hóa nên Máu Người. Nhưng xem ra phép lạ này ít hấp dẫn, nên không ít người cảm thấy e ngại khi tham dự Thánh lễ, kể cả Thánh lễ Chúa nhật. Vậy mà, khi nghe nói ở đâu có phép lạ, thậm chí chỉ là những tin đồn thất thiệt, người ta dễ dàng chạy theo.

 

Thái độ dân Do Thái rất đáng để ta suy nghĩ: nhớ tới Manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Đức Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế. Thật vậy, nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sẽ giống như những người Do thái trong bài Tin mừng hôm nay. Chúng ta thích phép lạ Manna, phép lạ vật chất hơn là phép lạ Thánh Thể. Chúng ta thích những cái chóng qua hơn là những của cải vững bền. Ước chi mỗi người trong chúng ta, một khi đã được nuôi sống bằng tấm bánh được bẻ ra là Đức Giêsu, chúng ta cũng biết trở thành tấm bánh được bẻ ra, được trao ban cho mọi người qua đời sống yêu thương, dấn thân và phục vụ quên mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình Thập giá và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu Bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. (Lời nguyện Thánh Thể)

 

Lời bàn


- Lịch sử nhân loại đã không ngừng chứng kiến và ghi lại những cột mốc quan trọng, truyền lại cho hậu thế những sự kiện mà người đời sau không có được cơ hội “tận mục sở thị”. Nhắc đến ngày 11 tháng 9, người ta nghĩ ngay đến sự việc toà tháp đôi ở Mỹ bị những phần tử Hồi giáo cực đoan đánh sập. Ngày 8 tháng 3, nhắc người ta nhớ và vinh danh những người phụ nữ, những người mẹ, người chị. Ngày 14 tháng 2, khiến ta liên tưởng đến một thiên tình sử và những người đang yêu dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất. Ngày giỗ của những người thân trong gia đình hẳn cũng gợi nhắc cho con cháu nhớ về ông bà tổ tiên với một tình cảm tha thiết, lòng tôn kính và biết ơn với các bậc tiền nhân. Đối với đời sống của các Kitô hữu thì sao? Thưa, họ cũng được mời gọi thi hành mệnh lệnh mà khi xưa Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19b). Chúa truyền cho các ông lặp lại lễ bẻ bánh để tưởng nhớ đến Ngài, tưởng nhớ đến việc Ngài trao hiến mạng sống cho họ. Sau khi Phục sinh, Chúa cũng đã hiện ra và giải thích để các môn đệ hiểu rằng, mỗi lần cử hành nghi thức bẻ bánh thì Chúa Phục sinh hiện diện giữa họ. Do vậy, Bí tích Thánh Thể không chỉ tưởng niệm cuộc tử nạn, nhưng còn là cử hành sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh. Câu hỏi được đặt ra là, liệu chúng ta đã ý thức và thể hiện hành vi tưởng niệm như lòng Chúa mong muốn chưa?

 

- Thánh Tôma Aquinô, với một trí óc uyên bác, đã nghiên cứu và viết rất nhiều về mầu nhiệm Thánh Thể. Khảo luận của ngài về mầu nhiệm Thánh Thể được xem là chứa đựng những tư tưởng thần học chắc chắn và quân bình về mầu nhiệm cao trọng này. Thánh nhân cho rằng, Bí Tích và Hy Tế là hai khía cạnh không thể tách rời của mầu nhiệm Thánh Thể: “Bí tích này, không những là bí tích, mà còn là Hy Tế. Là Hy Tế vì trong bí tích này hiện tại hoá cuộc tử nạn của Chúa Kitô”. Qua các kinh nguyện về Thánh Thể, thánh Tôma không quên nhắc lại điều căn cốt này. Điệp ca Tin mừng kinh chiều lễ Mình và Máu Thánh Chúa được trích ra thành Kinh Thánh Thể là một minh chứng cho điều đó: “Ôi yến tiệc, Mình và Máu Thánh Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta. Tiệc nhắc nhớ Người đã chịu khổ hình và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế. Tiệc bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ”. Không còn nghi ngờ gì nữa, thánh Tôma chắc hẳn đã sống và cảm nghiệm cách sung mãn về mầu nhiệm cao cả này. Chính vì lẽ đó, những gì người viết ra đều là cảm xúc thật, trào lên từ nguồn cảm nghiệm phong phú. Tôi ngả mình thán phục và lấy làm hổ thẹn trước vị tiền bối. Thú thật, tôi luôn thấy e ngại mỗi khi soạn bài chia sẻ trong suốt tuần III mùa Phục sinh. Bởi khi đó, tôi luôn phải loay hoay tìm ý tưởng để nói cả tuần về một đề tài duy nhất và cuối cùng, cho dù có nói hay đi chăng nữa thì mình vẫn cảm thấy ngại ngùng vì bản thân chưa sống được như những điều mình chia sẻ.

 

- Lời mời gọi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể không ngừng vang vọng. Lời mời gọi càng trở nên tha thiết hơn bao giờ hết nhất là trong thời đại hôm nay. Hẳn rằng Đức Giêsu luôn khát khao những kẻ được Ngài kêu mời chạy đến kín múc nguồn mạch sự sống. Chúa có buồn không khi mà lời mời gọi cất lên nhưng lại chẳng mấy người hồi đáp? Nhân loại hôm nay đang bị những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống lôi kéo khiến những lời kêu mời thì thầm của Chúa bị lấn át, thậm chí là bị lãng quên. Ngay cả khi nghe được tiếng mời gọi thì thầm của Chúa thì chưa chắc chúng ta đã đủ can đảm để đáp trả hoặc trở nên “vô dụng” vì Ngài. Về điều này, Đức ông J. Wilfrid Parent chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm thú vị như sau: “Đối với tôi, thước đo của sự thờ phượng đích thực hệ tại ở mức độ mà chúng ta sẵn sàng trở nên vô dụng vì Chúa. Chúng ta “vô dụng” theo nghĩa thế tục khi chúng ta nuôi những người đói khát muôn đời không thể trả ơn; khi chăm sóc các bệnh nhân đang chờ chết hoặc khi tha thứ cho những kẻ thù không ngừng căm ghét chúng ta. Trong khi tĩnh lặng Chầu Thánh Thể, tôi đã khám phá ra một nguồn mạch cực kì màu mỡ của sự vô ích thiêng liêng” (1). Bí tích Thánh Thể không ngừng mời gọi tôi như thế. Và cả các bạn nữa đấy.

 

- Triết gia Aristotle từng nói: “Đem tiền đi cho là chuyện dễ dàng và nằm trong khả năng của bất cứ ai. Nhưng quyết định người được cho, cho bao nhiêu và khi nào, vì mục đích nào và như thế nào, không phải nằm trong khả năng của tất cả, và cũng không phải chuyện dễ dàng”. Cuộc sống thường ngày vốn dĩ đã chẳng dễ dàng gì; nay cơn đại dịch ập tới, mọi thứ càng trở nên khốn khó hơn, nhất là với những người nghèo phải tha hương cầu thực. Họ trở thành những người dễ bị tổn thương. May thay, bên cạnh họ vẫn còn nhiều người hảo tâm và hào sảng. Mấy chữ “Bữa sáng yêu thương” nghe sao mà dung dị, mà đáng yêu đến thế. Chắc hẳn những người đứng ra tổ chức đã muốn dùng nó để chuyển tải thông điệp yêu thương, đồng thời mời gọi những người nghèo thực sự biết vượt qua mặc cảm để đến nhận lấy phần của mình. Dẫu biết rằng, chẳng ai có thể lo hết được cho người nghèo, nhưng những nghĩa cử ấm tình người này sẽ giống như những đốm lửa được khơi lên, những người khác sẽ phụ họa vào để nhiều người nghèo có cơ hội vượt qua gian khó. Chúng ta hãy làm một điều gì đó thiết thực, để cùng với những người khác, chung tay góp sức để người nghèo thoát cảnh cơ bần và bình yên vô sự trong cơn đại dịch. Hãy đến bên cạnh họ để cùng nhau mơ về một ngày mai tươi sáng. Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi đến với những “Bữa tiệc yêu thương” mà Đức Giêsu thết đãi; không chỉ có “Bữa sáng yêu thương” mà giờ nào cũng có sẵn, không chỉ là vài ngày trong tuần mà là luôn được trao tặng miễn phí 24/7. Tất cả chúng ta chẳng phải đều là những người đang đói khát sự sống đời đời trước mặt Chúa sao?

 

(1) Stephen J. Rossetti, Born of the Eucharist – A Spirituality for Priest, Học viện Đa Minh chuyển ngữ 2020, tr. 96.