SUY NIỆM LỜI CHÚA & HẠNH CÁC THÁNH

Nói được rõ ràng

Nói được rõ ràng (13.2.2015 – Thứ sáu Tuần 5 Thường niên)

Lời Chúa: Mc 7, 31-37
 
Khi ấy, Ðức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Ðức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Epphatha”, nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Ðức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó ới ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
 
Suy niệm:
 
Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,
 
ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,
 
hơn các em bị câm điếc.
 
Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,
 
và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.
 
Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.
 
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
 
Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.
 
Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,
 
khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.
 
Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.
 
Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,
 
và sợi dây đó được tháo cởi.
 
Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.
 
Nói sao để người khác hiểu được mình,
 
đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.
 
Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình
 
khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh...
 
Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm
 
vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:
 
kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ...
 
Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.
 
Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.
 
Epphatha, xin hãy mở miệng con
 
để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,
 
hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.
 
Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,
 
thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.
 
Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình
 
mà máy đột nhiên mất tiếng.
 
Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.
 
Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,
 
nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,
 
nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.
 
Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,
 
hay lắm khi nghe điều người khác nói
 
nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.
 
như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.
 
Nghe bằng tai, không đủ.