PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?
WGPSG -- Một số nhà thờ hiện nay có thói quen là khi linh mục hay phó tế công bố Tin Mừng trong Thánh lễ thì các tín hữu tham dự (thường là trẻ em) cầm cuốn Tân Ước vừa dò theo vừa cất tiếng đọc. Có thể chấp nhận thực hành như thế hay không? Phần trình bày dưới đây sẽ nêu ra một số lý do cho thấy thực hành này không thích hợp và cần chấm dứt vì chúng đi ngược lại với tinh thần của Phụng vụ Lời Chúa và quy chế phụng vụ.
1. Thứ nhất, mục đích không biện minh cho phương tiện
Định đề “mục đích không biện minh cho phương tiện” thuộc về lãnh vực luân lý. Thế nhưng, chúng ta cũng có thể áp dụng định đề này vào lãnh vực phụng vụ để trả lời cho những ai ủng hộ thực hành “cộng đoàn cùng đọc chung bài Phúc Âm với tác viên công bố Tin Mừng” với lý do là để tín hữu (thường là thiếu nhi) tham dự vào phần Phụng vụ Lời Chúa sâu sắc và hiệu quả hơn. Đây là mục đích tốt nhưng chỉ nên áp dụng bên ngoài Thánh lễ, chẳng hạn như trước Thánh lễ hay trong lớp giáo lý. Nếu có thể đọc Tin Mừng chung với linh mục hay phó tế thì chẳng có lý do gì lại không đọc chung với độc viên Sách Thánh cả Bài đọc I và Bài đọc II nữa. Thực hành như vậy, thử hỏi có cần đến thừa tác viên công bố Lời Chúa nữa không?[1]
2. Thứ hai, đọc Tin Mừng trong Thánh lễ thuộc về chức năng của phó tế hay tư tế
Ngoài việc xướng các ý nguyện trong lời nguyện tín hữu, giúp vị tư tế chuẩn bị bàn thờ và phục vụ cử hành hy tế, cho giáo dân rước lễ, nhất là dưới hình rượu, và thỉnh thoảng hướng dẫn cử chỉ và điệu bộ của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội còn “phân công” rõ ràng cho phó tế thi hành chức năng công bố Tin Mừng và đôi khi diễn giảng Lời Chúa. Nếu không có phó tế, thì một vị linh mục đồng tế mới đọc Tin Mừng. Nhưng nếu không có cả thầy phó tế hay vị tư tế nào khác đồng tế, thì chính vị chủ tế sẽ đọc Tin Mừng.[2] Giáo Hội quy định rằng: “Việc công bố Tin Mừng của Chúa cho mọi người là một trong những bổn phận chính yếu của những thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế).”[3] Một giáo dân, thậm chí tu sĩ, đều không được phép công bố Tin Mừng trong cử hành Thánh lễ, kể cả trong các trường hợp khác, mà quy tắc không có rõ ràng cho phép.[4] Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Sự tham dự tích cực của người tín hữu sẽ không ích lợi gì nếu như lẫn lộn vì không thể phân biệt được trong sự hiệp thông Hội Thánh các chức năng khác nhau thuộc riêng từng người.”[5] Giáo Hội đã ban hành một văn kiện “Hướng dẫn Thánh lễ cho Trẻ em” với sự uyển chuyển và mở rộng khá nhiều những gì liên quan đến Bài đọc Sách Thánh và Tin Mừng. Thế nhưng, tuyệt nhiên trong văn kiện này, không bao giờ Giáo Hội cho tất cả các em đọc chung Tin Mừng với linh mục hay phó tế.[6]
3. Thứ ba, tác viên phải chuẩn bị trước khi công bố Tin Mừng
Vì bài Tin Mừng là cao điểm của phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ đặc biệt đề cao bài Tin Mừng hơn các Bài đọc khác, cho nên trước khi công bố Tin Mừng, thừa tác viên phải được cử ra đọc. Họ chuẩn bị công bố Phúc Âm bằng cách nhận phép lành [từ chủ tế] hay tự cầu nguyện thầm.[7] Nếu Giám mục chủ tế mà không có phó tế hiện diện, thì một vị linh mục đồng tế phải đến xin phép lành Giám mục trước khi công bố Tin Mừng theo thể thức y như phó tế xin phép lành từ Giám mục hay linh mục chủ tế.[8]
4. Thứ tư, đọc Tin Mừng trong Thánh lễ thuộc thể thức công bố - lắng nghe
Công bố - lắng nghe là đưa thông tin nào đó ra công khai cho mọi người biết bằng cách nói hay đọc. Cách thức này hàm ý rằng, trước đó mọi người chưa hề hay biết. Thể thức công bố - lắng nghe trong phụng vụ cũng vậy, nghĩa là một người nói hay đọc Sách Thánh lớn tiếng trước cộng đoàn phụng vụ và cộng đoàn trở thành người lắng nghe như thể chưa nghe bao giờ, trở thành người tiếp nhận sứ điệp của Thiên Chúa bằng cách lắng nghe.[9]
Giáo Hội đã chọn thể thức này cho Bài đọc I, Bài đọc II và Tin Mừng vì những lý do liên quan đến khía cạnh lịch sử và truyền thống lâu đời của Giáo Hội. Thật vậy, hầu hết các học giả đều công nhận nguồn gốc của Phụng vụ Lời Chúa được cắm rễ trong truyền thống Kinh Thánh và theo mẫu của phụng vụ hội đường Do Thái.[10]
Trong Tân Ước, trường hợp của Chúa Giêsu là một bằng chứng, Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh (Lc 4,16; Mt 13, 53 -58; Mc 6,1-6). Còn thánh Phaolô, ông cũng tham dự buổi họp hội đường của người Do Thái, và tại đây, ông rao giảng về Chúa Kitô (Cv 13,4-5.13-15.42-44; 17,1-3.10.16-17).
Việc công bố Lời Chúa là thành phần trong phụng tự thời Cựu Ước như được thấy rõ trong ít là những trường hợp sau: (1) Trong nghi lễ thiết lập giao ước, ông Môsê từ núi xuống thuật lại cho dân mọi lời của Chúa và mọi điều luật (Xh 24,3-11); (2) Trong sự kết ước tuân giữ Luật của Thiên Chúa,vua Giôsigia đã lên Nhà Đức Chúa, đọc cho dân nghe tất cả các lời trong sách Giao ước đã tìm thấy (2V 23); (3) Trong nghi lễ canh tân giao ước, ông Giôsuê nói với toàn dân: “Đây, tảng đá này sẽ làm chứng về những điều chúng ta đã cam đoan, vì nó đã nghe mọi lời Đức Chúa phán với chúng ta. Nó sẽ làm chứng về những điều anh em đã cam đoan, kẻo anh em chối bỏ Thiên Chúa của anh em”; Còn ông Étra đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng ở quảng trường phía trước cửa Nước, ông đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật (Gs 24,1-28; Nkm 8,1-8; 9,3-38).
Sách Hiến chế các Tông đồ quy định:
Hãy để cho độc viên lên trên một nơi cao: người ấy sẽ đọc các sách của Môsê, của Giosuê - con của Nun, sách Thẩm phán, sách Các Vua, sách Biên niên sử và những sách được chép sau thời bị giam giữ; bên cạnh những sách này là những sách của Giop, của Salomon và của 16 Ngôn sứ nữa... Sau đó, hãy công bố sách Tông đồ Công vụ và Thánh thư của Phaolô, cộng sự viên của chúng tôi, người đã được cử đến với các giáo đoàn dưới sự điều khiển của Chúa Thánh Thần; sau cùng, hãy để một thầy phó tế hay một linh mục công bố Tin Mừng.[11]
Tác viên đọc Sách Thánh trong Thánh lễ được coi như sứ giả của Thiên Chúa để nói Lời của Chúa cho dân chúng, họ trở thành tiếng nói của Chúa Kitô cho cộng đoàn phụng vụ. Qua Bài đọc I, họ giống như các vị thẩm phán, ngôn sứ trong Cựu Ước công bố cho dân biết ý định của Thiên Chúa. Qua Bài đọc II, tác viên đọc Sách Thánh đảm nhận vai trò như các tông đồ trong thời Tân Ước, họ được Chúa sai đi công bố mầu nhiệm của Ngài như một bổn phận phải loan báo cho mọi người (Cv 13,46; Cl 4,4; Dt 9,19). Nhờ đó, tín hữu đón nhận trực tiếp lời giáo huấn của các Tông đồ và qua các ngài, tín hữu đón nhận giáo huấn của Đức Kitô. Linh mục hay phó tế đọc Tin Mừng được hiểu là qua họ, chính Chúa Kitô, hiện diện trong lời của Ngài mà loan báo Tin Mừng.[12] Tin Mừng là sứ điệp của chính Chúa Cha được truyền tải đến nhân loại qua môi miệng của Con Ngài. Qua công bố Tin Mừng, các tín hữu không chỉ nghe về Chúa Giêsu nhưng đang nghe chính Ngài nói trực tiếp với họ (Lc 4, 21).[13]
Chính vì thế, mọi người phải buông bỏ tất cả để tập trung và kính cẩn lắng nghe các Bài đọc Lời Chúa, một yếu tố rất quan trọng trong phụng vụ. Còn bài Tin Mừng, cao điểm của phụng vụ Lời Chúa, sau khi tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Chúa Kitô đang hiện diện và nói với mình, giáo dân tham dự đứng để lắng nghe.[14]
5. Thứ năm, giảng đài là một trong 3 điểm hướng về khi cử hành Thánh lễ
Chúng ta tham dự tích cực vào cử hành phụng vụ với cả tâm hồn lẫn thân xác của mình. Chính vì thế, có 3 điểm (focal points) trong Thánh lễ chúng ta được mời gọi hướng về: ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ. Nghi thức đầu lễ [hoặc cả nghi thức kết lễ], chúng ta hướng về ghế chủ tọa. Phần Phụng vụ Thánh Thể, cộng đoàn hướng về bàn thờ. Còn khi cử hành phụng vụ Lời Chúa, mọi người sẽ hướng về giảng đài. Lúc này, không những chúng ta lắng nghe Lời Chúa mà còn hướng nhìn về thừa tác viên công bố Lời Chúa như những sứ giả của Thiên Chúa đang nói với mình. Nhất là khi lắng nghe Tin Mừng, chúng ta đứng lên và dù ở đâu, cũng phải hướng về giảng đài, tai thì lắng nghe và mắt thì nhìn vị phó tế hay linh mục công bố Tin Mừng trong niềm tin rằng chính Chúa Kitô đang hiện diện trong các ngài để nói với chúng ta đúng như lời đáp của chúng ta sau khi nghe đọc Tin Mừng: “Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa.”[15] Trên đây là lý do giải thích tạị sao, Giáo Hội hướng dẫn rằng: “Phải xếp đặt cho tín hữu có chỗ thích hợp, để họ bằng mắt và tâm hồn có thể tham dự đàng hoàng những nghi thức thánh…Phải liệu làm sao cho tín hữu không những nhìn thấy vị tư tế, phó tế hay các người đọc sách, mà còn nghe rõ nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại.”[16]
Kết luận
Cộng đoàn, kể cả trẻ em, không được phép vì bất cứ lý do nào, đọc Phúc Âm trong Thánh lễ cùng với phó tế/ linh mục đang công bố Tin Mừng. Thời điềm này, tất cả những gì mỗi người phải làm không phải là dò theo sách hay màn hình mà đọc, nhưng là ở trong tư thế đứng, thinh lặng, mắt và toàn thân hướng về phía giảng đài với tâm tình chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Còn thực hành đọc Tin Mừng chung với nhau, chỉ áp dụng bên ngoài cử hành phụng vụ mà thôi.
(Nguồn: WHĐ)
[1] Xc. Huấn thị Bí tích Cứu độ (= BTCĐ), số 43-44; Bộ Giáo Luật (= GL), số 230# 2; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL), số 109.
[2] QCSL 59 và 94.
[3] GL 762; QCSL 59.
[4] BTCĐ 63.
[5] Xc. Tông Huấn “Bí tích Tình yêu”Sacramentum Caritatis, số 53 - Thánh bộ Giáo sĩ và các Thánh bộ khác của Giáo triều, Huấn thị về “Vài vấn đề cộng tác của giáo dân trong tác vụ của các linh mục”Ecclesiae de mysterio (15-08-1997): AAS 89 (1997), 852-877.
[6] Bộ Phụng tự Thánh, Chỉ dẫn Thánh lễ cho Trẻ em (ban hành ngày 01-11-1973).
[7] Xc. QCSL 60. 175; Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 35-37.
[8] Nghi lễ Giám mục, số 74; QCSL 212.
[9] Xc. Normand Bonneau, omi, Preparing the Table of the Word (Novalis: The Liturgical Press, 1997), 41-42.
[10] Michael Witczak, "History of the Latin Text and Rite" in Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 161.
[11] Xc. Paul Turner, The Supper of the Lamb, 30.
[12] Xc. Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 7; 33; QCSL 29; 55.
[13] Xc. Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (Pennsylvania: Ascenion Press, 2011), 67; Gerhard Ludwig Muler, trích lại trong Adoft Adam, Eucharistic Celebration: the Source and Summit of Faith (Minnesota: A Pueblo Book / The Liturgical Press,1994), 41-42; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Gỉai Đáp Các Vấn Nạn Về Phụng Vụ, tập 1 (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2001), 168.
[14] Xc. QCSL 60.
[15]Xc.Josepf A. Jungman, sj, The Mass (Minnesota: The Liturgical Press, 1976), 177; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Gỉai Đáp Các Vấn Nạn Về Phụng Vụ, 166.
[16]QCSL 311; Xc.Ordo Lectionum Missae 32-34.
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Xem lại việc hát 'Tung Hô Tin Mừng' và 'Ca Tiến Lễ'