PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự

Trong phụng vụ, khi giám mục giáo phận cho phép, chương trình trực tuyến thánh lễ trong giáo phận chỉ được sử dụng cách thức “phát trực tiếp” để thu và phát sóng thánh lễ đang cử hành cho cộng đoàn tham dự từ xa

Ủy ban Phụng Tự


Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ

 

Thánh lễ là “hành vi cao cả được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa con người” (Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 7). Vì thế, ở mọi nơi và trong mọi trường hợp, thánh lễ cần phải được chuẩn bị, cử hành và tham dự trong tâm thế và tư thế xứng hợp với giá trị linh thánh của hành vi phụng vụ cao cả này. Đối với nhiều hoàn cảnh đặc thù như tại bệnh viện, trại giam, hoặc những tình huống ngoại thường hay cấm cách, Hội Thánh không ngừng tìm kiếm những phương thế thuận lợi nhất để giúp các tín hữu không ngừng liên kết với Đức Kitô Thượng Tế và nhiệm thể của Người là Hội Thánh, nhờ đó kín múc dồi dào ân sủng từ suối nguồn Thánh Thể. Ngày nay với những phương tiện kỹ thuật trực tuyến và truyền thông xã hội, các tín hữu có thể tham dự thánh lễ theo nhiều cách thức đa dạng; tuy nhiên, các phương tiện trực tuyến có thể đánh mất tính linh thánh của cử hành phụng vụ. Vì thế, trong hoàn cảnh của đại dịch COVID-19 hiện nay, Ủy ban Phụng tự lưu ý những nguyên tắc chung cho việc cử hành và tham dự thánh lễ trực tuyến như sau:

 

1. Về kỹ thuật, vài cách thức trực tuyến phổ biến hiện nay gồm có (1) phát trực tiếp: thu hình/ quay phim và truyền trực tiếp cùng thời điểm (livestream); (2) phát lại: những chương trình đã được “phát trực tiếp” còn lưu trên các kênh truyền thông và không gian mạng (ví dụ: Youtube, ứng dụng truyền hình,…); (3) thu sẵn: sản xuất một chương trình với mục đích để phát lại sau đó theo thời gian định sẵn (pre-recorded).

 

Trong phụng vụ, khi giám mục giáo phận cho phép, chương trình trực tuyến thánh lễ trong giáo phận chỉ được sử dụng cách thức “phát trực tiếp” để thu và phát sóng thánh lễ đang cử hành cho cộng đoàn tham dự từ xa. Như thế, trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, các tín hữu nên tham dự thánh lễ “phát trực tiếp” để được hiệp thông cách trọn vẹn và sống động, hơn là xem các thánh lễ được “phát lại” trên mạng sau thời điểm đã cử hành. Phương thức “thu sẵn” một thánh lễ với ý định để phát lại vào thời điểm sau đó thì không được chấp nhận là một cử hành phụng vụ trực tuyến.

 

2. Do “việc truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành thánh lễ, phải được thực hiện cách xứng đáng và thận trọng dưới sự hướng dẫn và đảm bảo của người có đủ năng lực do các giám mục chỉ định” (SC số 20), giám mục giáo phận chịu trách nhiệm đối với các chương trình trực tuyến thánh lễ để luật phụng vụ được tuân thủ cách đầy đủ: cử hành đúng lịch phụng vụ, đúng bản văn phụng vụ và kinh thánh đã được phê chuẩn,… (x. SC số 22). Vì thế, trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, giám mục giáo phận cần chỉ định các nhà thờ và linh mục được chính thức cử hành thánh lễ phát trực tuyến nhằm tránh những vi phạm kỷ luật phụng tự đối với bí tích cao cả này.

 

3. Vì bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ Hội Thánh nên dù thánh lễ được cử hành riêng hoặc với cộng đoàn phụng vụ, được phát trực tuyến hay không, các linh mục vẫn cần có những chuẩn bị xứng hợp về tâm hồn cũng như những yếu tố đòi buộc theo quy chế tổng quát của sách lễ Rôma:

 

- Thành tâm cử hành mầu nhiệm thánh thật sốt sắng và trang nghiêm; không hời hợt, vội vã;

 

- Lưu tâm đến lễ phục (áo alba, dây các phép và áo lễ), khung cảnh phụng tự và chỉ cử hành trong nhà thờ hoặc nhà nguyện;

 

- Không tự ý bỏ hoặc giảm bớt các yếu tố của nghi thức thánh lễ.

 

Cách riêng khi cử hành các thánh lễ được phát trực tuyến, vì cộng đồng mạng tham gia chương trình trực tuyến bao gồm anh chị em thuộc các tôn giáo bạn và nhiều thành phần xã hội mở rộng nên chủ tế cần lưu tâm thêm đến những yếu tố sau:

 

- Chuẩn bị bài giảng chu đáo, ý thức đây là cơ hội loan báo Tin Mừng;

 

- Chọn lựa ngôn từ để xây dựng một cộng đồng yêu thương, hợp nhất theo tinh thần Phúc Âm;

 

- Cần tập trung làm nổi bật sự hiện diện của Chúa Kitô trong cử hành phụng vụ, tránh những thái độ phô diễn cá nhân;

 

- Ý thức đang cử hành với cộng đoàn phụng vụ tham dự trực tuyến.

 

4. Khi người tín hữu ở trong hoàn cảnh đặc thù như hiện nay, không thể tham dự cử hành bí tích tại giáo xứ, họ vẫn có thể hiệp thông với Hội Thánh đồng thời lãnh nhận ơn chữa lành và an ủi của Chúa qua việc tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên, các tín hữu vẫn phải tham dự thánh lễ được trực tuyến một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn với những ưu tiên sau:

 

- Chuẩn bị tâm hồn và y phục như tham dự thánh lễ tại giáo xứ với cộng đoàn phụng vụ, có thể đọc kinh, suy niệm Lời Chúa trước giờ tham dự trực tuyến;

 

- Tham dự thánh lễ trực tuyến như khi đang hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ tại giáo xứ: không sử dụng điện thoại, không làm việc riêng, vẫn thưa đáp (và hát), thực hiện các tư thế, cử chỉ tôn kính và giữ thinh lặng theo quy định của thánh lễ;

 

- Hiệp ý với chủ tế để cầu nguyện cho các nhu cầu của Hội Thánh, cộng đoàn và cá nhân, đặc biệt cho các nhu cầu khẩn thiết trong cơn đại dịch này;

 

- Cần có tâm hồn thành tâm thống hối và ước ao kết hợp với Chúa bằng việc rước lễ thiêng liêng. Mỗi giáo phận có thể hướng dẫn kinh nguyện cho tín hữu chuẩn bị tâm hồn rước lễ thiêng liêng;

 

- Sau khi tham dự thánh lễ cách trọn vẹn (từ xa), cần ý thức sống giá trị bí tích vừa tham dự và bổn phận loan báo Tin Mừng cứu độ.

 

Ngày 27 tháng 03 năm 2020.
Ủy ban Phụng tự
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam