PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Bàn Thờ : Lịch Sử - Ý Nghĩa - Thực Hành (P3)

Bàn thờ nên được làm bằng đá như phản ánh ở trong Kinh Thánh rằng Chúa Kitô là viên đá sống động (1Pr 2,4), là đá tảng góc tường và là nền móng của Giáo hội. Nhưng cũng có thể làm bàn thờ bằng gỗ (QCSL 30; NTCH ch. 4, số 9; DX 64).

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS(cgvdt.vn)


 Thực hành

Trong phần này, chúng ta sẽ bàn đến các vấn đề cụ thể liên quan đến bàn thờ như: số lượng bàn thờ; chất liệu, hình dáng, kích cỡ và vị trí của bàn thờ trong thánh đường; cũng như một số đối tượng ở gần hoặc trên bàn thờ như thánh giá, hoa và nến…

Theo QCSL số 298: “Trong mọi thánh đường phải có bàn thờ cố định tượng trưng cách rõ ràng và thường xuyên cho Chúa Giêsu Kitô, tảng đá sống động (1 P 2,4; x. Ep 2,20). Còn trong các nơi khác, dùng vào việc cử hành thánh, thì bàn thờ có thể di động. Bàn thờ gọi là cố định, nếu được làm dính với nền cung thánh, và do đó không thể di chuyển được; nếu chuyển dời được thì gọi là di động”.

Ngày nay, dù là bàn thờ cố định hay di động, rõ ràng là QCSL không nói đến việc xây hay để bàn thờ dính vào tường, trái lại, QCSL còn khuyến khích bàn thờ được thiết kế xa vách tường, để [linh mục] có thể dễ dàng đi chung quanh, và trên đó có thể cử hành thánh lễ quay xuống giáo dân (QCSL 299; DX 64).

 

 

Đức Giám mục Peter Elliott trong cuốn Ceremonies  of the Modern Roma Rite của ngài (số 58) viết rằng:

“Bàn thờ chính của nhà thờ nên được cố định. Theo biểu tượng Kinh Thánh và truyền thống Tây phương, bàn thờ cố định ít là được làm bằng đá thiên nhiên. Hội đồng Giám mục có thể chấp thuận bàn thờ được làm bằng một chất liệu xây dựng khác rắn chắc (GL 1235;1236; QCSL 299; LNGM 919; DX 64). Bàn thờ cố định được cung hiến trọng thể bởi Đức Giám mục, hay một cách ngoại thường, bởi một linh mục được ủy nhiệm. Bàn thờ di động được làm phép bởi Đức Giám mục hay một linh mục có thẩm quyền (GL 1237; QCSL 300; LNGM 923). Bàn thờ đứng ở trục trung tâm của cung thánh”.

Bàn thờ nên được làm bằng đá như phản ánh ở trong Kinh Thánh rằng Chúa Kitô là viên đá sống động (1Pr 2,4), là đá tảng góc tường và là nền móng của Giáo hội. Nhưng cũng có thể làm bàn thờ bằng gỗ (QCSL 30; NTCH ch. 4, số 9; DX 64).

Qua các thế kỷ, Giáo hội nhấn mạnh đến việc cử hành Thánh Thể với một tấm bánh cho một thân mình của Giáo hội, và theo truyền thống thì mỗi nhà thờ chỉ có một bàn thờ vì “Đức Kitô là một”, bàn của Ngài là một và Canvê của Ngài là một. Thánh Ignatio tử đạo, các thánh Cyprian, Irênê, và Jerome đều nói chỉ có một bàn thờ mà thôi (Benedict XIV, De Sacr. Missae, no. 1, xvii).1

Nhưng vào cuối thế kỷ VI bước sang thế kỷ thứ VII, việc dâng thánh lễ cá nhân vì những ý nguyện riêng biệt trở nên thắng thế. Từ đó, những bàn thờ khác được thêm vào nhà thờ. Chúng ta đã tìm thấy bằng chứng về nhiều bàn thờ trong một nhà thờ, chẳng hạn thánh Grêgôriô Cả đã gởi xương thánh cho 4 bàn thờ của Đức Giám mục Palladius, địa phận Saintes bên Pháp. Vị Giám mục này đã đặt tới 13 bàn thờ trong một nhà thờ trong đó có 4 bàn thờ vẫn chưa được thánh hiến vì phải chờ có xương thánh.

Nay, chúng ta lại trở về với truyền thống: trong nhà thờ, chỉ có một bàn thờ duy nhất đặt nơi cung thánh, vì chỉ có một dân với một Đấng Cứu Chuộc, một Canvê và một của Hy lễ Tạ ơn của Hội Thánh (QCSL 303; DX 63. 255). 

 

 

J. Gélineau đặt vấn đề như sau:

“Vậy cái bàn này phải có hình dáng thế nào để ta thấy đó là nơi Chúa Kitô mời ta đến cùng đồng bàn với Ngài, và để nó nhắc ta nhớ đến các bữa ăn của ta, các cuộc chung vui của ta? Ta phải tỏ dấu kính trọng bàn thờ thế nào? Trang hoàng các bông hoa, ánh sáng …? Rồi còn những khi người ta chất lên bàn thờ đủ thứ, nào là máy ghi âm, các thứ dây điện chằng chịt, từng chồng sách, cả những máy am-pli, máy thâu băng…Như vậy không phải làm mất hình ảnh bàn thờ đó sao?”.2

QCSL số 303 cũng dự trù cách xử lý cho một trường hợp đặc biệt, đó là:

“Còn trong các thánh đường xây đã lâu, khi bàn thờ cũ nằm ở vị trí gây khó khăn cho việc tham dự của giáo dân và không thể dời chuyển mà không làm tổn hại giá trị nghệ thuật, thì xây một bàn thờ cố định khác, được làm với nghệ thuật và cung hiến theo nghi thức, và chỉ được cử hành thánh lễ trên bàn thờ này mà thôi. Ðể giáo dân khỏi bị chia trí, thì bàn thờ cũ không được trang trí gì đặc biệt”.

Tại những giáo xứ có đông giáo dân tham dự phụng vụ vào các ngày Chúa nhật, nhưng trong những thánh lễ ngày thường, hay các dịp khác như đám cưới, đám tang…mà chỉ có một số ít người tham dự, nên cử hành tại các phòng nguyện nhỏ với một bàn thờ ở đó. Nhưng phòng nguyện này phải tách biệt với gian chính của nhà thờ để tránh gây ấn tượng là có một số bàn thờ trong một nhà thờ.

Kích cỡ và hình dáng của bàn thờ tùy thuộc vào nhà thờ. Nó phải có tỷ lệ cân xứng trong khoảng không gian tại khu vực bàn thờ cũng như cân xứng và hòa hợp với những đối tượng khác bên trong nhà thờ như giảng đài, nhà tạm…(XD 42; DX 45).  Mặt bàn thờ phải đủ rộng cho những gì cần thiết để trên bàn thờ như: Sách Tin Mừng từ đầu cử hành cho đến khi công bố Tin Mừng; chén thánh với đĩa, bình thánh, khăn thánh, khăn lau chén và Sách Lễ từ lúc trình lễ phẩm cho đến khi tráng chén, micro (nên được đặt trên bàn thờ cách kín đáo). Ngoài ra, không nên đặt bất cứ thứ gì khác trên bàn thờ, chẳng hạn như sách hát, bài giảng, những vật dụng linh tinh... (QCSL 306; XD 58).

Với những nhà thờ nhỏ, bàn thờ nên có hình vuông hay hình chữ nhật. Còn với những nhà thờ lớn, bàn thờ nên có hình chữ nhật, hình tròn…vì bàn thờ mở ra cho 4 phương của thế giới. Không nên tiếp tục những thực hành trước đây như chạm trổ, gắn kèm các dấu chỉ, biểu tượng hay biểu ngữ vào bàn thờ. 

 

 

Theo QCSL 299, bàn thờ phải chiếm vị trí trung tâm mà tất cả cộng đoàn tín hữu tự nhiên hướng về đó. Bàn thờ chính là Canvê mà ai nấy phải “ngước mắt lên nhìn”3 nhưng cũng không nên cao quá khiến cộng đoàn phụng vụ khó quan sát (DX 66). Thánh Gioan Kim Khẩu có viết rằng: “Bàn thờ giống như một dòng suối nước ở giữa để đoàn chiên có thể tụ họp chung quanh dòng suối này ở mọi phía và tận hưởng những ơn ích từ nguồn nước cứu độ.”. XD nói bàn thờ phải trở thành trung tâm chú ý của mọi người trong nhà thờ (XD 58). Trong khi cử hành thánh lễ, tốt nhất là mọi người ở khắp nơi trong thánh đường đều có thể nhìn thấy bàn thờ, nhìn thấy các hành động phụng vụ và để các nghi lễ có thể được tiến hành một cách thuận tiện (XD 59). Điều này ám chỉ rằng bàn thờ có thể phải được nâng cao, nhưng đừng tạo ra cảm giác tách biệt. Thêm nữa, dân chúng còn phải nghe thấy tiếng của các thừa tác viên phụng vụ nữa.

Tại Tây phương, sau Công đồng Vatican II, đã xuất hiện một loại bàn thờ chưa bao giờ được biết đến ở tầm mức hoàn vũ. Đó chính là bàn thờ để cử hành thánh lễ mà chủ tế đối diện với dân chúng. Như vậy, theo dòng lịch sử, thánh lễ có thể được cử hành đối diện với dân chúng hay đối diện với bàn thờ. Bởi thế, bàn thờ mới nên được xây dựng để có thể cử hành thánh lễ theo cả hai cách. Tức là, sẽ phải có một khoảng không gian thềm nhà rộng rãi ở cả hai phía của bàn thờ cho chủ tế đứng và bái quỳ cũng như để ngài có thể thuận tiện đi xung quang bàn thờ xông hương. Thềm nhà quanh bàn thờ thường được phủ bằng thảm đẹp mắt và có chất lượng cao quý. 

Trong nhà thờ, thánh lễ luôn luôn phải cử hành trên bàn thờ, nhưng bên ngoài, có thể cử hành Hy lễ Tạ ơn trên một cái bàn (QCSL 297). Liên quan đến vấn đề này, có thể nhắc lại ở đây kinh nghiệm của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Tôi đã được cử hành thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, tôi đã dâng thánh lễ trên bàn thờ dựng ngay trong sân vận động, trên công trường các thành phố?”.4

Trong một tài liệu khác, ngài viết rằng:

“Chúng ta thật cảm động khi đọc thấy trong các sách của những linh mục bị cầm tù trong các trại tập trung, liên quan đến những buổi cử hành Thánh Thể không theo các nguyên tắc này, nghĩa là không có bàn thờ, không có phẩm phục. Trong những điều kiện như thế, đó là một bằng chứng anh hùng và phải khơi dậy lòng cảm phục. Tuy nhiên trong những điều kiện bình thường, việc lơ là đối với các quy tắc phụng vụ có thể được xem như thái độ thiếu tôn kính đối với Thánh Thể, có thể phát xuất từ thái độ cá nhân chủ nghĩa, hay từ sự thiếu tinh thần phán đoán (sens critique) đối với các ý kiến phổ biến, hay từ một thái độ thiếu tinh thần đức tin.5

 

 

Xương thánh, không nhất thiết là xương các thánh tử đạo được đặt dưới bàn thờ đã cung hiến. Thánh tích phải xác thực và là một phần thực sự của thân thể vị thánh, được giữ trong một cái hòm đựng thánh tích rồi được gắn vào trong bàn thờ hay được đặt ở phần dưới của bàn thờ mới (QCSL 302). Điều này không có nghĩa là thánh hiến bàn thờ cho các vị thánh nhưng là cung hiến bàn thờ cho Thiên Chúa của các vị hiển thánh và các thánh tử đạo. Hơn nữa, sự hiện diên của hài cốt các thánh nơi bàn thờ biểu hiện một bằng chứng cho niềm tin của Hội Thánh, mà thánh lễ cử hành trên bàn thờ là nguồn mạch ân sủng mang lại sự thánh thiện cho các thánh (NTCH, ch. 4, số 5; DX 67). Nếu nghi ngờ về tính xác thực của xương thánh, thì không nên sử dụng chúng.

Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh được đặt trên bàn thờ, hoặc gần bàn thờ, hoặc treo phía trên bàn thờ hay trên bức tường đầu cung thánh ở phía sau bàn thờ sao cho cộng đoàn tập họp có thể nhìn thấy nhằm gợi cho trí của giáo dân nhớ sự thương khó cứu độ của Chúa (QCSL 308). Về thánh giá trong đoàn rước, nếu đã có thánh giá trong nhà thờ rồi thì khi kết thúc cuộc rước sẽ được cất vào phòng thánh. Điều này ám chỉ rằng, chỉ có một thánh giá với hình Chúa chịu nạn trong nhà thờ. Do đó, giải pháp tốt nhất là thánh giá trong đoàn rước cũng chính là thánh giá bàn thờ. Nếu thế, khi kết thúc cuộc rước, thánh giá đoàn rước sẽ được cắm hay giữ ở vị trí của nó gần bàn thờ nơi cung thánh. Thánh giá, so với những ảnh tượng thánh khác, là dấu chỉ ý nghĩa nhất về mầu nhiệm Vượt Qua bởi vì thánh giá chỉ ra vừa cái chết vừa sự phục sinh của Chúa Kitô. Thánh giá được kính thờ vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh cũng như được tôn vinh vào ngày lễ Suy tôn Thánh giá (14 tháng 9). Thánh giá phải có hình Chúa chịu nạn, như là cây thánh giá chính, được đặt bên trong nhà thờ ở khoảng không gian trung tâm của thánh đường nơi cộng đoàn tụ họp. Thánh giá biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, bí tích tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội, khử trừ mọi chia rẽ giữa dân chúng và kiến tạo dân của Chúa.

Để biểu lộ lòng tôn kính đối với bàn thờ, chủ tế hôn bàn thờ khi bắt đầu và khi chấm dứt cử hành thánh lễ. Ngoài ra, người ta còn trang trí cho bàn thờ bằng cách trải khăn bàn thờ, đặt chân nến và trưng hoa gần bàn thờ khi cử hành một số nghi thức phụng vụ. 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS(cgvdt.vn)

__________________________________________________________

Chữ viết tắt:

DX = Dựng xây từ những viên đá sống động (2006).

GLCG = Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992).

LNGM = Sách Lễ nghi Giám mục (1984).

NTCH =  Nghi thức Cung hiến Nhà thờ và Bàn thờ (1989).

QCSL = Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma (2002).

XD = Built on Living Stones (Washington, D.C, 2000).

1 Xc. Crispino Valenziano, “Liturgical Architecture” trong Anscar J. Chupunco, OSB (ed.), Handbook for Liturgical Studies, Vol. V (Philippines: Claretian Publications, 2004), 383.

2 J. Gélineau, Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập I (Nxb Đồng Nai, 1992), 217.

3 Xc. Crispino Valenziano, “Liturgial Architecture” trong Anscar J. Chupunco, OSB (ed.), Handbook for Liturgical Studies, Vol. V (Philippines: Claretian Publications, 2004), 383.

4 ĐGH Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 8.

5 ĐGH Gioan Phaolô II, Dominicae Cenae, 12.