MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Tác động tích cực và tiêu cực của việc cách ly thời covid-19 đối với gia đình

Bên cạnh thực trạng bạo lực gia đình trong thời gian cách ly ở nhà, vấn đề ly hôn cũng trở nên phổ biến và trầm trọng khiến cho nhiều chính quyền phải điên đầu.
 
 

TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC
CỦA VIỆC CÁCH LY THỜI COVID-19 ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH


Aug. Trần Cao Khải


WHĐ - Chúng ta biết rằng, kể từ khi dịch cúm Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) khoảng thời gian cuối năm 2019 và lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới, thì người ta bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp giúp phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh những khuyến cáo và quy định của cơ quan chức năng như rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang ở nơi công cộng, giãn cách xã hội và khai báo bệnh khi cảm thấy không khoẻ, người ta còn phổ biến lời kêu gọi nâng cao ý thức, cụ thể là “Ở nhà” (Stay-home) và “Đừng di chuyển” (Do-not-move). Và câu nói “Ai ở đâu, cứ ở yên đó'” trở thành một khẩu hiệu tràn ngập mạng xã hội.


Do đó, vấn đề “Trở về nhà”, “Làm việc tại nhà”, “Sinh hoạt ở nhà”, “Hãy ở nhà” đã trở thành mệnh lệnh khẩn cấp cho mọi người, mọi nhà, mọi cộng đồng. Các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Đây là cơ hội tốt để các gia đình được “đoàn tụ” đầy đủ mọi thành viên, vì cha mẹ không đi làm, còn con cái được nghỉ học. Gia đình có dịp quây quần bên nhau, sum họp đông đủ, ấm cúng.


Thực vậy, trước khi dịch bệnh xảy ra, ai cũng mơ ước được có dịp “ở nhà” để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng cuộc sống thoải mái sau những tháng ngày đầu tắt mặt tối. Vì thế, khi phải ở nhà để cách ly do dịch cúm, nhiều người nhanh chóng lên kế hoạch ngay. Nào là sẽ tự tay sửa sang nhà cửa, làm mới khu vườn, chăm sóc trực tiếp con cái. Vợ chồng có thời gian ngồi lại với nhau để hâm nóng tình nghĩa phu thê. Có người lại dành thời gian để đọc những cuốn sách đã sắm từ lâu nhưng chưa bao giờ “đụng” tới. Có người thì chăm chỉ vào mạng xã hội để đọc tin tức, học ngoại ngữ hay tương tác bạn bè. Quả thực đây là một “bức tranh” đẹp, êm ả, không đến nỗi quá ảm đạm như nhiều người nghĩ.


Mặt tích cực: Covid-19 giúp làm mới quan hệ gia đình


Về mặt tích cực của tình trạng cách ly bắt buộc do Covid-19, ta có thể khám phá ra nhiều điều thú vị, chẳng hạn:


Trước hết là người ta có thời gian tốt đẹp với gia đình. Ngày 7-4-2020 vừa qua tại Pháp, một cuộc khảo sát do Viện Odoxa-CGI thực hiện cho báo France Info và France Bleu đã được công bố cho thấy mặc dù có mối lo ngại liên quan đến đại dịch và hậu quả tài chính của việc bị cách ly, hay những khó khăn khi phải làm việc từ xa, bao quanh bởi trẻ em và trường học ở nhà, đại đa số phụ huynh tuyên bố rằng việc cách ly có thể giúp họ có “thời gian tốt cùng gia đình”.


Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này thì chưa bao giờ người Pháp dành nhiều thời gian cho gia đình đến thế! Trên thực tế, kể từ khi bắt đầu cách ly, đại đa số các gia đình đã được đoàn tụ dưới cùng một mái nhà suốt cả ngày lẫn đêm. Chỉ 29% dân số làm việc vẫn đến nơi làm việc hàng ngày. Cuộc nghiên cứu này đã nhấn mạnh, mặc dù có những khó khăn, căng thẳng do quá đông đúc và nhiều nguồn lo lắng khác nhau, “85% người Pháp đang nuôi con cái, trải qua thời gian tốt trong gia đình”.


Đó là con số khích lệ cho mọi người: cách ly không chỉ là sống trong lo lắng và u ám nhưng là thời gian dành cho gia đình, cho thể thao, trò chơi, thảo luận và đi bộ, ngay cả khi những điều này bị hạn chế. Tuy nhiên, 32% nói rằng họ thấy con cái lo lắng, đặc biệt là khi họ sống trong diện tích nhỏ hoặc ở vùng ngoại ô khó khăn. Về giáo dục từ xa, 68% phụ huynh thấy rằng công việc học hành có chất lượng tốt, nhưng phần khác khoảng 53% nhận thấy sự thiếu tập trung của trẻ em. [1]


Tại Việt Nam, theo tờ Lao Động Thủ Đô thì nhiều gia đình cũng nhận định là chính biện pháp cách ly lại là thời gian quý báu cho mọi người, mọi nhà. Không còn cuống cuồng với guồng quay vội vã của cơm áo, gạo tiền, mà thay vào đó là vào bếp nấu ăn, dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Theo nhiều người, cách ly xã hội không phải là điều gì đó quá khủng khiếp mà trái lại đây lại chính khoảng thời gian quý giá để mỗi người cân bằng lại cuộc sống của mình. [2]


Cũng theo bản tin của tờ báo trên, có người lợi dụng thời gian cách ly để làm mới lại quan hệ gia đình đồng thời có nhiều thời gian dành cho bản thân.


Có người trong thời giãn cách xã hội đã chọn giải pháp là về quê với cha mẹ và anh em ruột thịt. Ngoài việc phụ nấu nướng cơm nước với cha mẹ, người ta còn có dịp làm việc nhà, giúp đỡ anh chị em ruột việc này việc kia. Họ cho rằng cách ly xã hội làm cho gia đình trở nên gắn kết hơn. Qua đó họ cũng nhận ra rằng, bản thân mình không tới mức vụng về, vô tâm và thiếu khả năng chăm sóc người thân như trước vẫn nghĩ. Có lẽ phải cảm ơn quãng thời gian này, vì nó đã cho người ta cơ hội thực hiện những điều từng mơ ước…


Cũng có người tâm sự rằng khi được làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, người ta đã có thêm thời gian để học cách nấu các món ăn ngon, có thể tự nấu ăn và cân đối tài chính giúp các bữa ăn của gia đình vừa đủ chất, đẹp mắt lại không quá tốn kém.


Ngoài việc lo nấu nướng, người ta cũng tranh thủ sự giãn cách xã hội, dùng thời gian này để thực hiện những công việc mà trước đó ít có cơ hội làm như giúp con cái ôn bài hay ngồi kể chuyện cho con nghe.


Người ta đã đi đến nhận định này là có thể việc giãn cách xã hội sẽ khiến thu nhập của nhiều người giảm sút, nhưng đó sẽ phải là điều quan trọng nữa vì thực ra cơ hội kiếm tiền còn nhiều nhưng thời gian bên gia đình thì không phải lúc nào cũng có. Thay vào việc chỉ nghĩ về những điều tiêu cực, có lẽ chúng ta nên nhận ra những điều tuyệt vời mà giãn cách xã hội đã mang đến.


Có trường hợp khác, khi được thưởng thức bữa cơm ngon do chính vợ mình nấu trong thời gian cách ly ở nhà, người chồng đã không khỏi tự hào và hạnh phúc. Họ tiếc rằng lâu nay đã vô tình mải mê với các cuộc bia rượu ở bên ngoài mà ít khi có thời gian về ăn cơm cùng với gia đình. Dịp này, gia đình có dịp thường xuyên quây quần ăn uống, không khí thật ấm áp và bình yên.


Cuối cùng thì người ta thấy rằng, “Mùa dịch” tuy khiến kinh tế giảm sút nhưng lại mang đến cho nhiều người một khoảng thời gian quý giá, có thể cùng nhau vun đắp tình cảm gia đình hay định hướng lại cuộc sống cho bản thân. Và chắc chắn, khi dịch bệnh qua đi, trở về với guồng quay vội vã của cuộc sống thường nhật thì mỗi người sẽ trân trọng thêm những phút giây được sống trọn vẹn cho bản thân. Vì vậy, thay vì quá trăn trở về cơm áo gạo tiền, hãy tìm cách biến cách ly xã hội trở thành những khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời.


Mặt tiêu cực: Covid-19 làm tăng đột biến bạo lực gia đình và ly hôn


Ở nhà chống dịch Covid-19 có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để ‘sống chậm’ và dành thời gian cho những người thân yêu. Nhưng cũng có thể là địa ngục đối với những người chịu cảnh bạo lực gia đình.


Ngày 5-4-2020, TTK Liên Hiệp Quốc António Manuel de Oliveira Guterres viết trên Twitter kêu gọi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để chống lại sự gia tăng bạo lực gia đình, đặt sự an toàn của phụ nữ và trẻ em lên hàng đầu. [3]


Thông báo này xuất hiện sau khi có những báo cáo về sự gia tăng tình trạng bạo lực gia đình một cách đáng báo động, đặc biệt từ sau khi các quốc gia áp dụng quy định cách ly tại nhà chống Covid-19.


Thống kê của Bộ lao động và phúc lợi Hồng Kông cho thấy năm 2019 có 2.920 báo cáo về các vụ lạm dụng trong nước. Trong đó, 2.134 trường hợp lạm dụng thể chất, 311 trường hợp lạm dụng tâm lý và 20 trường hợp lạm dụng tình dục, 276 trường hợp liên quan đến nhiều loại lạm dụng. Phụ nữ chiếm 84,2 % nạn nhân. Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 243 trường hợp báo cáo, nhưng riêng năm 2020, chỉ tính riêng trong tháng 3-2020 đã có tới hơn 900 cuộc gọi.


Trong khi đó, các tổ chức xã hội Tây Ban Nha nhận số cuộc gọi báo cáo tăng hơn 18% trong hai tuần đầu tiên phong tỏa quốc gia.


Cảnh sát Pháp cũng đã báo cáo mức tăng đột biến tới 30% các bạo lực gia đình trên toàn quốc. Tình trạng gia tăng bạo lực gia đình xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, bất kể được đánh giá là quốc gia phát triển hay không.


Đây đang là một vấn đề được báo động trên toàn thế giới, song song cùng cuộc chiến chống Covid-19.


Bạo lực gia đình đến từ rất nhiều nguyên nhân, ở mọi đối tượng. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất, ngôn ngữ và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác. Thông thường, những nạn nhân vì nhiều lý do thường bị che giấu với xung quanh bằng vỏ bọc gia đình hạnh phúc. Có nhiều người chịu đựng trong nhiều thập niên.


Nếu trước đây khi Covid-19 chưa xuất hiện, cả hai vợ chồng đi làm không gặp nhau nhiều nên số lần bị bạo hành không nhiều, thì trong thời gian nghỉ việc ở nhà tránh dịch việc này trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ông chồng dành thời gian uống rượu, đánh đập, chửi bới và tấn công tình dục vợ mình. Khi không thể chịu đựng thêm, những nạn nhân của bạo lực gia đình mới tìm đến cảnh sát hoặc các trung tâm cứu trợ.


Mandy Wong Nga-sze, một chuyên viên tại Liên đoàn Phụ nữ Hồng Kông, cho biết những người phụ nữ đến đây sẽ được chăm sóc sức khỏe và tư vấn về chuyện ly hôn. Wong nói, “Để làm chậm sự lây lan của virus, mọi người được khuyên nên ở nhà. Sự thay đổi này giống như thể nhốt con thú dữ và nạn nhân trong chuồng”.


Một đối tượng khác dễ bị tổn thương nhất trong bạo lực gia đình là những đứa trẻ. Tổ chức chống lạm dụng trẻ em Hồng Kông cho biết họ đã nhận được nhiều cuộc điện thoại báo cáo trường hợp hàng xóm đang lạm dụng trẻ em về thể xác và lời nói ở nhà. Tình hình báo động tới mức Cục Phúc lợi xã hội Hồng Kông và các tổ chức phi chính phủ phải điều chỉnh cách xử lý, công bố đường dây nóng để hỗ trợ người dân.


Tại một số quốc gia, nạn nhân được khuyên chuẩn bị sẵn hành lý với vật dụng cần thiết để rời khỏi nhà và sẽ không bị xử lý nếu ra đường với lý do này.


Tuy vậy, bạo lực gia đình vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Các chuyên gia cảnh báo rằng đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình, việc phải dành nhiều thời gian ở nhà với những kẻ lạm dụng càng làm tăng thêm căng thẳng vì sợ bạo hành, sự cô lập xã hội liên quan đến Covid-19, cũng như các vấn đề thất nghiệp, khó khăn tài chính và phải chăm sóc họ bọn trẻ.


Không ít người nộp đơn ly hôn nhưng trong tình hình mọi nơi đều tạm ngưng hoạt động để chống dịch thì việc phán quyết bị hoãn lại vô thời hạn. Và vì nhiều lý do, thanh danh họ hàng, muốn con đủ cha đủ mẹ, phụ thuộc kinh tế, thủ tục chậm... họ lại tiếp tục chịu đựng bạo lực từ người từng thề non hẹn biển với mình.


Bên cạnh thực trạng bạo lực gia đình trong thời gian cách ly ở nhà, vấn đề ly hôn cũng trở nên phổ biến và trầm trọng khiến cho nhiều chính quyền phải điên đầu. 


Tại Trung Quốc người ta đã ghi  nhận là số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch. [4]


Tiền quá ít, thời gian chạm mặt nhau quá nhiều, việc nhà không phân chia công bằng v.v... trong thời kỳ cách ly đã đẩy nhiều cuộc hôn nhân xuống “vực thẳm”.


Đó cũng là câu chuyện của gia đình cô Wu, 30 tuổi, ở Quảng Đông sau gần hai tháng sống cách ly trong nhà cùng người bạn đời không có việc làm. Họ đã cãi nhau liên tục. Cô Wu liệt kê ra một danh sách những vấn đề của cuộc hôn nhân. Ngoài chuyện tài chính và việc nhà, điều khiến cô khó chịu nhất là thói quen cho con chơi đến khuya của chồng. Cô nói, “Anh ta là người gây ra những rắc rối trong nhà” và “Tôi không chịu đựng được nữa. Chúng tôi đã đồng ý ly hôn, và việc tiếp theo là đi tìm luật sư”.


Mặc dù Trung Quốc chỉ công bố số liệu thống kê trên toàn quốc về ly hôn theo định kỳ thường niên, các báo cáo từ nhiều thành phố khác nhau cho thấy sự bất ổn gia tăng mạnh nhất vào tháng 3, khi các ông chồng và bà vợ bị “nhốt” ở nhà trong nhiều tuần, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.


Thành phố Tây An và tỉnh Tứ Xuyên đều báo cáo số lượng hồ sơ ly hôn cao kỷ lục vào đầu tháng 3, thậm chí dẫn đến sự ùn ứ tại các tòa án. Khoảng một tuần nay, ở Hồ Nam, nhân viên tiếp nhận hồ sơ ly hôn thậm chí không còn thời gian để uống nước, vì rất nhiều cặp vợ chồng xếp hàng để nộp đơn. Lượng hồ sơ tiếp nhận mỗi ngày liên tục bị phá kỷ lục.


Ông Yi Xiaoyan - giám đốc trung tâm đăng ký kết hôn của thành phố Mịch La, chia sẻ: “Các vấn đề tầm thường trong cuộc sống đã dẫn đến sự leo thang của các cuộc xung đột. Việc giao tiếp kém cũng là nguyên nhân khiến mọi người thất vọng về hôn nhân và đưa ra quyết định ly hôn”.


Luật sư chuyên các vụ ly hôn ở Thượng Hải, Steve Li tại hãng luật Gentle & Trust cho biết số ca ly hôn anh xử lý đã tăng 25% kể từ khi lệnh phong tỏa của thành phố được nới lỏng hơn vào giữa tháng 3. Ngoại tình từng là lý do số 1 khiến khách hàng tìm đến anh. Nhưng giờ đây thì không phải vậy. Giống như Giáng sinh ở phương Tây, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc có thể gây ra căng thẳng trong các liên kết gia đình. Thế nên, khi virus bắt đầu tấn công vào cuối tháng 1-2020, nhiều cặp vợ chồng đã phải chịu đựng hai tháng “mắc kẹt” trong cùng một mái nhà, đôi khi là cả một gia đình lớn. Đối với một số người, điều đó là quá sức.


Steve Li đã nói về một số trường hợp anh đang xử lý: “Càng có nhiều thời gian ở bên nhau, họ càng ghét nhau hơn” và “Con người ai cũng đều cần không gian riêng, không chỉ là các cặp vợ chồng”.


Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi dịch bệnh giảm đi, cuộc sống có thể trở lại với trạng thái tương đối bình thường, nhưng các căng thẳng tâm lý và kinh tế dự kiến sẽ còn tồn tại trong nhiều tháng. Một nghiên cứu về người dân Hong Kong sau đại dịch SARS 2002-2003 cho thấy, một năm sau khi dịch bệnh bùng phát, những người sống sót sau đó vẫn có mức độ căng thẳng, lo âu cao. Tỷ lệ ly hôn của Hong Kong năm 2004 cao hơn 21% so với năm 2002.


Được biết, ở Trung Quốc, phụ nữ thường là người chủ động đòi ly hôn, với con số là 74% năm 2016-2017, theo đánh giá của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, phụ nữ lại là đối tượng thiệt thòi hơn khi phân xử chia tài sản.


Người trẻ ngày nay dễ dàng ly hôn hơn cha mẹ họ. Giờ đây, một phía chỉ cần nói: “Tôi không thích anh nữa”, thì ngay ngày hôm sau, phía kia có thể đệ đơn ly hôn. Yang Shenli, một luật sư tại công ty luật Dingda ở Thượng Hải cho hay bốn trường hợp nộp đơn ly hôn trong giai đoạn lệnh phong tỏa diễn ra đến nay, đều sinh sau năm 1985, hai cặp trong số đó đều quyết định chia tay vì “giai đoạn cách ly khiến mâu thuẫn tăng cao”.


Lời cầu nguyện và lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô


Hiểu thấu được hoàn cảnh của các gia đình trong thời kỳ cách ly xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ sáng thứ Hai, 16/3/2020, để cầu nguyện cho các gia đình tìm được tình thương mến trong thời điểm khó khăn. Ngài nói: “Tôi nghĩ đến các gia đình phải đóng cửa nhà, các thiếu nhi không đến trường, cha mẹ không thể đi ra ngoài. Xin Chúa giúp cho các gia đình khám phá những cách thức mới, những cách thể hiện mới của tình yêu trong hoàn cảnh mới này. Đây là một cơ hội đẹp để tìm lại tình thương mến với một sự sáng tạo trong gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình để vào lúc này các mối tương quan trong gia đình luôn triển nở tốt đẹp”. [5]


Thời điểm cách ly xã hội là thời điểm thích hợp để chúng ta nghe lai lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, các lời: “Xin Phép”, “Cảm Ơn” và “Xin Lỗi” là những lời rất quan trọng để mở ra một con đường sống hạnh phúc và an hòa trong gia đình. Đức Thánh cha giải thích:


“Lời đầu tiên là “xin phép” hay “làm ơn.”  Khi chúng ta cẩn thận hỏi một cách lịch sự điều có lẽ chúng ta nghĩ rằng mình có thể mong đợi, chúng ta đưa ra một sự bảo vệ thật cho tinh thần chung sống của hôn nhân và gia đình. Bước vào cuộc sống của một người khác, ngay cả khi người ấy là một phần cuộc sống của mình, đòi hỏi sự tế nhị của một thái độ không xâm lấn, đổi mới niềm tin tưởng và sự tôn trọng. Tình yêu, càng mật thiết và sâu đậm bao nhiêu thì càng đòi hỏi phải tôn trọng sự tự do và khả năng chờ đợi người khác mở cửa lòng ra cho mình bấy nhiêu. Trước khi anh chị em làm điều gì trong gia đình: “Xin lỗi, anh/em có thể làm điều ấy không?  Anh/em có muốn em/anh làm như thế không?” Đó là ngôn ngữ lịch sự và đầy yêu thương. Và điều ấy đem lại nhiều sự tốt lành cho các gia đình.


Lời thứ hai là “cảm ơn.” Đối với một tín hữu, lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một Kitô hữu không biết cảm ơn là người đã quên ngôn ngữ của Thiên Chúa. Anh chị em hãy nghe đây. Hãy nhớ lại câu hỏi của Chúa Giêsu, khi Người chữa lành mười người phong cùi và chỉ có một người trong họ trở lại để cảm ơn (Lc 17:18). Có lần tôi được nghe từ một ông cụ, rất khôn ngoan, rất tốt lành, đơn sơ, nhưng với sự khôn ngoan của lòng nhân từ, của đời sống: “Lòng biết ơn là một loại cây chỉ mọc ở vùng đất của những linh hồn cao quý.” Sự cao quý của linh hồn, là ân sủng của Thiên Chúa trong linh hồn thúc giục chúng ta phải nói lời cảm ơn, biết ơn. Nó là loài hoa của một tâm hồn cao quý. Đó là một điều tốt!


Lời thứ ba là “xin lỗi”. Chắc chắn là lời khó nói lên nhưng rất cần thiết. Khi thiếu nó, các rạn nứt nhỏ sẽ mở rộng ra – ngay cả khi vô tình – thành những rãnh sâu. Trong lời kinh Chúa Giêsu dạy, “Kinh Lạy Cha”, là kinh tóm tắt tất cả những vấn đề quan trọng cho cuộc sống của chúng ta, không phải là vu vơ mà chúng ta tìm thấy biểu thức này: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6: 12).  Nhìn nhận những thất bại, và mong ước đền trả những gì đã bị lấy đi – tôn trọng, trung thực, yêu thương – làm cho người ta đáng được tha thứ. Vì thế, làm lành các vết thương bị nhiễm trùng. Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, cũng có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Trong ngôi nhà không có sự xin lỗi thì không khí bắt đầu ngột ngạt và nước trở nên tù hãm. Quá nhiều vết thương đau khổ, quá nhiều nước mắt trong gia đình đã được bắt đầu chỉ vì thiếu lời “xin lỗi” quý báu này. Đừng bao giờ kết thúc một ngày trong gia đình mà không làm hòa với nhau!” [6]


Như kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Những lời này rất đơn sơ, nhưng không dễ thực hành! Chúng hàm chứa một sức mạnh phi thường: sức mạnh để bảo vệ gia đạo, ngay cả trước hàng ngàn khó khăn và thử thách; ngược lại, việc thiếu chúng sẽ từ từ sẽ gây ra các rạn nứt, thậm chí có thể làm đổ vỡ gia đình.” [6]

__________________

[1] phatdiem.org

[2] laodongthudo.vn

[3] tuoitre.vn

[4] vnexpress.net

[5] vaticannews.va

[6] kath-vietnamesen.de