MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

TÁC HẠI CỦA MA TÚY ĐỐI VỚI BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Nhiều công trình nghiên cứu trong y học về ảnh hưởng của ma túy đối với sức khỏe của con người đã khẳng định: Ma túy là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh và hủy hoại sức khỏe của người nghiện.

 

Image by: mountainside.com


Mai-đệ-liên


WHĐ - Ma túy đã và đang trở thành hiểm họa chung của cả nhân loại. Không một quốc gia nào thoát ra khỏi vòng xoáy khủng khiếp của nó và tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút hay buôn bán ma túy gây ra. Ma túy đang làm hủy hoại sức khỏe của chính người dùng, xói mòn sự tồn tại và phát triển của loài người và là nguồn gốc phát sinh tội phạm, gia tăng bạo lực. Ma túy làm suy thoái nhân cách người nghiện, tàn phá cuộc sống yên vui gia đình và sự an toàn của xã hội. Hơn nữa, ma túy còn gây tác hại trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đồng thời nó cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và những tệ nạn xã hội khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Nghiêm trọng hơn, ma túy còn là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thể lý HIV/AIDS phát triển. Đặc biệt sự lạm dụng ma túy là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của lớp trẻ và giá trị của nhân loại. Tác hại do nghiện ma túy gây ra đối với con người, gia đình và xã hội là khó lường.

 

I. TÁC HẠI CỦA MA TÚY TRÊN BẢN THÂN


1. Ma túy tác hại đến sức khỏe thể lý người nghiện


Nhiều công trình nghiên cứu trong y học về ảnh hưởng của ma túy đối với sức khỏe của con người đã khẳng định: Ma túy là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh và hủy hoại sức khỏe của người nghiện. Ma túy khi được đưa vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây ức chế từng phần của bán cầu đại não, khiến người nghiện có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, rối loạn cảm giác, ngại vận động, dễ bị kích thích dẫn tới tội ác.

 

Theo cơ chế tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, khi ta mệt mỏi, hệ thần kinh sẽ tiết ra chất endorphin giúp làm giảm mệt mỏi, phục hồi sức hoạt động của cơ thể. Thế nhưng, khi các chất ma túy như Cocaine, heroin, hay morphine xâm nhập vào cơ thể lại có tác dụng mạnh hơn endorphin gấp nhiều lần, các chất ma túy này đi vào từng tế bào thần kinh và mau chóng làm giảm đau đớn, mệt mỏi. Nếu ma túy tiếp tục xâm nhập vào cơ thể nhiều lần nữa sẽ dần thay thế cơ chế tự nhiên tiết ra endorphin, khiến các tế bào cảm nhận bị nhờn dần và quen với chất ma túy nên càng ngày lượng ma túy càng phải tăng lên mới phát huy được hiệu quả. Khi đó, nếu ngưng sử dụng ma túy, cơ thể sẽ rất mệt mỏi, đau đớn rã rời, khủng hoảng cả thể xác lẫn tinh thần và không làm chủ được bản thân. Tình trạng đó có thể dẫn con nghiện đến trạng thái suy sụp, chỉ nghĩ làm sao đưa được ma túy vào cơ thể ngay tức khắc và bằng bất cứ giá nào. Đây chính là nguyên nhân dẫn người nghiện đến những hành động mù quáng, nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.

 

Khi dùng thuốc, người nghiện ma túy thường có cảm giác lâng lâng, khoái cảm, làm họ luôn có cảm giác chán ăn, vì vậy họ thường sụt cân nhanh chóng. Do không ăn và uống đều đặn, người nghiện thường có hệ tiêu hóa kém, tiết dịch của hệ tiêu hóa giảm, họ thường có cảm giác buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Bên cạnh đó, người nghiện thường bị loạn nhịp, huyết áp tăng giảm đột ngột, mạch máu bị xơ cứng ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não. Người nghiện dễ bị nhiễm trùng máu do tiêm chích thường không vô trùng và thường gặp viêm tắc tĩnh mạch.

 

Ma túy là chất gây nghiện có thể gây suy giảm hệ hô hấp của con người. Ma túy tác động lên hệ hô hấp khiến người nghiện thường bị viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Các chất ma túy gây tăng tần số thở trong thời gian ngắn, sau đó sẽ gây ức chế hô hấp; khi dùng quá liều đôi khi ngưng thở đột ngột dẫn đến tử vong. Đối với người dùng Cocaine có thể gây phù phổi cấp, tràn khí màng phổi, xuất huyết phế nang, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, lên cơn hen phế quản... Theo thông tin trên tạp chí Medical Progress tháng 1 năm 1999, nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả Mỹ cho thấy hút ma túy có liên quan đến ung thư phổi.

 

 

Một căn bệnh nghiêm trọng nữa mà người nghiện ma túy thường mắc phải, đó là rối loạn cảm giác da. Người nghiện ma túy thường không cảm thấy bẩn, họ sợ nước, ngại tắm, và đây là nguyên nhân thuận lợi cho các bệnh về da phát triển như: ghẻ, lở, hắc lào, viêm da. Đặc biệt khi dùng ma túy đá, các mạch máu trong cơ thể co lại, tế bào bạch cầu chết dần khiến da không còn độ đàn hồi và dễ bị tổn thương. Một làn da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá lớn và lở loét là những dấu hiệu dễ phát hiện ra người nghiện ma túy đá.

 

Trong cơ thể con người, gan, thận là những cơ quan chủ yếu đào thải chất độc. Khi nghiện ma túy, nhất là chất heroin, làm hai cơ quan này suy yếu ảnh hưởng đến chức năng thải độc của cơ thể. Khi các chất độc tích tụ lâu ngày trong cơ thể, người nghiện dễ bị các bệnh như: áp xe gan, viêm gan, suy gan, suy thận. Theo thống kê, tỷ lệ viêm gan cấp tính ở người nghiện heroin là 46%, viêm gan mãn tính là 24% và thoái hóa mỡ là 18%.

 

2. Ma túy tác hại đến sự phát triển nòi giống


Khi đã nghiện ma túy nặng, các hormon sinh dục bị suy giảm dẫn đến giảm nhu cầu tình dục, giảm khả năng sinh sản, hoặc sinh con chậm phát triển thể lực và trí tuệ. Đối với phụ nữ có thai, nghiện ma túy dễ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, khó nuôi. Khi một người sử dụng cần sa, đối với nam, cần sa kìm hãm sự sinh sản nội tiết nam tính, vì vậy dễ bị liệt dương và dẫn tới vô sinh. Ở phụ nữ thì thường bị rối loạn hoạt động của buồng trứng. Cần sa kìm hãm sự hoạt động của tuyến yên ở trung não, tuyến này có hình như yên ngựa, sản sinh ra nhiều chất nội tiết tố quan trọng giúp điều hòa các hoạt động bình thường của tim và mạch sinh dục. Với phụ nữ nghiện cần sa, tỷ lệ mang thai giảm hoặc nếu có thai dễ dẫn đến sảy thai, thai lưu, và tỷ lệ sinh non có thể lên tới 25%.

 

3. Ma túy gây lây nhiễm HIV/AIDS


Ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa nghiện ma túy và HIV. Người nghiện có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn người bình thường. Vì lúc mới sử dụng ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, người nghiện thường bị kích thích tình dục rất nhiều. Một khi phê thuốc, người nghiện sẽ không kiểm soát được hành vi, họ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ (kể cả quan hệ với gái mại dâm), điều này rất dễ lây nhiễm HIV nếu bạn tình có HIV. Đồng thời họ dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai.

 

Mặt khác, đối tượng nghiện ma túy thường dùng chung kim tiêm mà không khử trùng, hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, nên họ rất dễ bị nhiễm HIV từ người này sang người khác qua đường máu. Sau mỗi lần sử dụng, máu của người dùng trước còn đọng trên bơm kim đi thẳng vào mạch máu của người sau, người tiêm sau sẽ bị lây nhiễm nếu người chích trước nhiễm HIV. Một người nghiện tâm sự: đến lúc lên cơn thèm thì bất chấp hết, ai vớ được cái bơm nào là chích cái đó, chích cho nhanh để thỏa mãn cơn thèm. Nhiều người nghĩ hút hoặc hít ma túy thôi thì sẽ không sợ bị lây nhiễm. Oái oăm thay, khi nghiện người ta phải tăng liều dùng thì mới có cảm giác phê; vì thế mà sau khi hút, hít sẽ chuyển sang chích là điều đương nhiên.

 

Theo ước tính ở Việt Nam có khoảng 65% người nhiễm HIV/ AIDS là người nghiện ma túy. Ngoài ra, số liệu của Bộ Y Tế cũng cho biết, hiện cả nước có hơn 197.000 người nhiễm HIV, trong đó năm 2011 có hơn 14.000 người xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và hầu hết ở lứa tuổi khá trẻ, từ 20-39 tuổi chiếm 82%, lây truyền qua đường máu (46,7%) và lây qua đường tình dục là (41,4%). Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy vẫn là mối nguy cho cả cộng đồng.

 

Qua những phân tích ở trên, có thể thấy được mối liên hệ mật thiết giữa nghiện ma túy và nhiễm HIV. Vì vậy, để giảm thiểu tỷ lệ người nhiễm HIV thì điều cấp thiết nhất hiện nay là giảm thiểu số người sử dụng ma túy. Xã hội và gia đình cần có sự phối hợp nhằm giáo dục nâng cao nhận thức của giới trẻ về các tác hại của ma túy và cách phòng chống hiệu quả.

 

4. Ma túy làm thay đổi nhân cách người nghiện


Phần lớn người nghiện có sự biến đổi về nhân cách do lệ thuộc vào ma túy. Điều đó thể hiện ở việc khi người sử dụng có đủ ma túy để dùng thì họ cảm thấy thoải mái, sảng khoái, bình tĩnh. Khi không có ma túy, tâm trạng người sử dụng thường trở nên tiêu cực, cau có, bực bội hoặc cô độc, âu sầu. Do các chất ma túy thường tạo nên khoái cảm, sảng khoái giả tạo nên người nghiện thường bị giảm hứng thú với cuộc sống bên ngoài, nhân cách bị thu hẹp, tương quan với người xung quanh trở nên thô lỗ hơn, ít quan tâm đến người thân, thờ ơ trong công việc và không thích theo đuổi những sinh hoạt lành mạnh như: học tập, vui chơi, lao động, thể thao... Họ thường ở trong trạng thái ủ dột, chai lỳ cảm xúc, dễ gây xung đột với những người xung quanh. Đối với người nghiện, ma túy là nhu cầu cấp bách đối với họ; vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của bản thân, họ bất chấp tất cả những chuẩn mực đạo đức của xã hội và luật pháp, họ có thể lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để có tiền mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện. Tùy vào từng loại ma túy mà ảnh hưởng của chúng trên người nghiện sẽ khác nhau. Tuy nhiên có một điểm chung là ma túy làm người nghiện mất cân bằng về tâm lý và tha hóa về nhân cách.

 

Dựa vào một nghiên cứu trên 80 học viên đang được điều trị tại Trung Tâm Giáo Dục Lao Động Xã Hội số 2, Thành phố Hải Phòng: người nghiện thường có nhân cách chống đối xã hội và ít hài lòng với cuộc sống, họ dễ có hành vi xung đột, cô đơn và trầm cảm. Những rối loạn tâm lý này thường khiến người nghiện không thừa nhận rằng mình có vấn đề, từ đó dẫn đến việc không tích cực cộng tác trong điều trị. Cũng qua nghiên cứu, nhóm người nghiện heroin thuộc nhân cách chống đối xã hội là 25%, trầm cảm 20%, và hưng cảm nhẹ 13,75%. Nghiên cứu dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - 4th Edition/ Hệ Thống Chẩn Đoán và Thống Kê các Rối Loạn Tâm Thần) cho thấy 30% người nghiện có triệu chứng lâm sàng liên quan đến tiêu chuẩn rối loạn tâm thần trục I, trong khi 60% có triệu chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, chống đối xã hội, thiếu tính ổn định và bộc lộ nhu cầu được quan tâm chú ý đặc biệt.

 

Những người nghiện trẻ, do đặc trưng tâm lý lứa tuổi và do thiếu các kỹ năng cần thiết để đối phó với cơn thèm nên thường dễ bị stress. Nghiên cứu cũng cho thấy những người chưa kết hôn thường có nhân cách chống đối xã hội; trong khi những người đã kết hôn mang nhân cách trầm cảm nhiều hơn. Điều này có thể là do họ cảm thấy áp lực từ phía trách nhiệm với gia đình. Còn những người nghiện đã ly hôn thì thường bị stress.

 

Quan sát người nghiện trong thời gian cai cho ta thấy rõ hơn những đặc điểm nhân cách khác nhau của người nghiện qua mỗi giai đoạn: trước khi cắt cơn, người nghiện vẫn chưa thể ngưng việc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, họ nhận ra hậu quả khủng khiếp của việc sử dụng ma túy khiến họ bị day dứt giữa việc từ bỏ hay tiếp tục sử dụng. Vì thế, họ thường rơi vào trạng thái bất ổn, mất tập trung, không muốn tương quan với người xung quanh và dễ bị khủng hoảng.

 

Chuyển qua giai đoạn cắt cơn, người nghiện bắt đầu ngưng sử dụng thuốc và họ phải chiến đấu chống lại những triệu chứng sinh học như: mệt mỏi, mất ngủ, nổi da gà, thèm ma túy. Về tâm lý, người nghiện trở nên chán nản, tính khí thay đổi thất thường, hay nổi giận, mất tự chủ trong lời nói và hành vi. Ở giai đoạn này, đôi khi người nghiện không muốn hợp tác trong điều trị và không muốn cai nữa.

 

Sau giai đoạn cắt cơn, sức khỏe người nghiện bắt đầu hồi phục. Họ cảm thấy dễ chịu hơn, nói cười nhiều hơn và thường có quyết tâm là không sử dụng ma túy nữa. Tuy nhiên, đây chỉ là tâm lý ngộ nhận về mình mà thôi, bới chính bản thân người nghiện và người giúp cai nghiện cũng hay bị những dấu hiệu tích cực này đánh lừa, cho rằng mình đã cai nghiện thành công. Bới vì, khi chuyển qua giai đoạn bế tắc, người nghiện thường có tâm lý xấu ảnh hưởng đến công tác điều trị phục hồi như: buồn chán, lười biếng, thiếu tự tin, bi quan, dễ kích động và hay dọa tự sát. Chỉ khi bước vào giai đoạn tự điều chỉnh, người nghiện mới cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn, tích cực tham gia cai nghiện hơn, bớt buồn chán và mức độ thèm ma túy cũng giảm đáng kể.

 

Cuối cùng là giai đoạn phục hồi, người nghiện đã trải qua quá trình điều trị và tham gia chỉnh sửa những hành vi sai lệch, học tập được nhiều điều trong cuộc sống (cả điều hay và điều dở). Bây giờ họ có thể sáp nhập lại với cuộc sống xã hội thường ngày và tham gia làm những điều tốt, nhưng cũng có thể tìm lại những hành vi xấu trong quá khứ.

 

II. TÁC HẠI CỦA MA TÚY ĐẾN GIA ĐÌNH


1. Làm tổn thất tình cảm với người thân


Nghiện ma túy làm tổn thất hạnh phúc gia đình do tính cách người nghiện thường hay thay đổi. Họ có khuynh hướng chống lại người thân trong gia đình, hay gây chuyện, cáu gắt, lừa dối người thân, dẫn đến sứt mẻ tình cảm, và xung đột trong gia đình ngày càng tăng. Nhiều câu chuyện rất thương tâm và đau lòng vì nghiện ma túy gây nên. Đó là trường hợp con trai nghiện ma túy đã đánh lại cha mẹ hoặc hành hung vợ con tàn bạo. Hơn nữa, có trường hợp con giết bố mẹ, ông bà để lấy tiền mua ma túy.

 

Cụ thể là câu chuyện thương tâm đã xảy ra tại Long Thành liên quan đến ma túy khi chính người trong gia đình trở thành nạn nhân của con nghiện. Đó là trường hợp bi kịch của bà L. T. H (53 tuổi, ngụ tại huyện Long Thành, Đồng Nai), khi bị con ruột (22 tuổi) giết chết trong cơn “ngáo đá.” Trái lại, đau lòng và xót xa biết bao khi có người cha vô tình trở thành tội phạm vì giết chính con trai của mình trong lúc chống đỡ trận đòn của nghịch tử nghiện ma túy.

 

Ma túy cũng là nguyên nhân không chỉ khiến cho người nghiện mà cả những người thân trong gia đình trở nên khép kín và tách biệt với mọi người. Trường hợp ở Trảng Bom là một điển hình: khi phát hiện con gái nghiện ma túy, ông L ngụ xã Hưng Thịnh, Huyện Trảng Bom trở nên mặc cảm, sống khép kín với hàng xóm. Do con gái ông quen bạn trai nghiện ma túy rồi sau đó cũng nghiện theo. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, con ông L cùng bạn trai lừa lấy xe của bạn đem bán nên bị bắt. Sau nhiều lần đưa con đi cai nghiện nhưng không có chuyển biến gì, ông L đành buông xuôi. Tự thấy mình bất lực trong việc dạy con nên ông trở nên lặng lẽ, cắt đứt mọi quan hệ với hàng xóm.

 

Ma túy thực sự là mối nguy hiểm rình rập từng nhà, từng ngõ ngách gây ra những cái chết không những cho người nghiện mà cả gia đình họ. Điều này cho thấy, ma túy không chỉ tàn phá những con nghiện mà còn là “bóng ma” đeo bám người thân.

 

2. Xung đột tình cảm vợ chồng dẫn đến ly hôn


Kết quả nghiên cứu xã hội học gần đây đã nêu lên con số rất đáng lưu tâm: có khoảng 30-42% các cặp vợ chồng xin ly hôn do xuất phát từ những xung đột liên quan đến nghiện ma túy. Khi chồng hoặc vợ trong gia đình nghiện ma túy thường dẫn đến cãi cọ, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, và cuối cùng không thể tiếp tục chung sống với nhau.

 

Đây là một trong muôn vàn trường hợp gia đình ly tán mà nguyên nhân từ ma túy: Từ ngày anh T, ngụ phường Thống Nhất, Tp. Biên Hòa nghiện ma túy, tính khí trở nên thất thường. T thường bạo hành vợ con mỗi khi lên cơn nghiện và cầm dao đòi chém những ai can ngăn. Do không chịu đựng được người chồng vô tâm với gia đình và vũ phu với vợ con, nên người vợ xin ly hôn. Dầu vậy, thỉnh thoảng T vẫn đến nhà vợ gây rối và dọa giết tất cả. Lo ngại con cháu gặp nguy hiểm nên gia đình phải làm đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

 

Sau khi bố mẹ ly hôn, con cái của những cặp vợ chồng này trở nên những đứa trẻ bất hạnh, không được giáo dục và chăm sóc chu đáo. Điều đó khiến chúng trở thành những đứa trẻ cô đơn, lầm lì, thất học, và thường tìm đến ma túy để quên đi nỗi bất hạnh.

 

II. TÁC HẠI CỦA MA TÚY ĐẾN XÃ HỘI


1. Các đối tượng nghiện và phạm tội về ma túy


Ở Việt Nam, đối tượng nghiện và phạm tội về ma túy gồm nhiều loại quốc tịch, thành phần xã hội, nghề nghiệp, nơi sinh sống, điều kiện hoàn cảnh gia đình, giới tính và độ tuổi khác nhau. Các đối tượng đa số là người Việt Nam, song cũng không ít tội phạm có quốc tịch nước ngoài như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Úc, Malayxia, Nigeria... Các đối tượng này có thể là lái xe quá cảnh, xe tắc xi, xe ôm, tiếp viên hàng không hoặc không nghề nghiệp. Về giới tính, đối tượng phạm tội ma túy là nam giới luôn nhiều hơn nữ giới. Song điều đáng quan tâm là tỷ lệ đối tượng phạm tội là nữ có chiều hướng gia tăng. Về độ tuổi của các đối tượng phạm tội ma túy cũng phong phú, nhưng đa số ở độ tuổi từ 25- 45 tuổi. Những năm gần đây, bọn tội phạm chuyên nghiệp tìm mọi cách lôi kéo trẻ em tham gia buôn bán ma túy để tránh bị xử lý về hình sự.

 

Số người nghiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên tăng nhanh trong những năm gần đây, tỷ lệ người nghiện dưới 30 tuổi chiếm hơn 70%, đặc biệt có tới 50% tổng số người nghiện là trẻ em dưới 16 tuổi. Trong thực tế hiện nay, nạn nghiện ma túy nơi trẻ em (học sinh) và trẻ vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân khách quan là do sự tác động bởi lối sống thực dụng, văn hóa phẩm độc hại dẫn tới một số em có lối sống chơi bời trác táng. Nguyên nhân quan trọng nữa phát xuất từ phía gia đình, là do cha mẹ mải làm ăn, thiếu quan tâm đến sinh hoạt của con mình, hoặc do cha mẹ nuông chiều con quá mức dẫn các em sa vào nghiện ma túy. Bên cạnh đó, bản thân các em chưa được trau dồi những kiến thức cần thiết về những tác hại của ma túy, nên nhiều em học sinh bị những đối tượng xấu kích động, lôi kéo sử dụng ma túy và tham gia vận chuyển mua bán chất cấm này. Đáng quan tâm hơn, nhiều em học sinh có lối sống buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ, hoặc một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình bất lợi như: bố mẹ ly hôn, bố mẹ bất hòa, mồ côi, cô đơn, khiến các em không làm chủ được bản thân nên đã chủ động tìm đến với ma túy.

 

Dựa vào thông tin về kết quả công tác cai nghiện ma túy 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người đang trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người trong trại tạm giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng. Đồng thời Bộ cũng cho biết tình hình tội phạm ma túy và người nghiện diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn.

 

2. Vi phạm trật tự an toàn xã hội.


Nghiện ma túy không chỉ là nguyên nhân gây ra các mối bất hòa trong gia đình mà còn là nguyên nhân dẫn đến tội phạm và gây mất trật tự an toàn xã hội. Theo một nguồn tin, khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ nghiện ma túy. Điều đáng lo ngại là số người nghiện trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, đa số tập trung ở lứa tuổi từ 16- 30 tuổi, trong đó có cả học sinh, sinh viên do đua đòi ăn chơi, bỏ học, không có việc làm, cờ bạc, rượu chè... Họ sống bê tha, thiếu tình người, thiếu niềm tin và lòng tự trọng. Đây chính là nguyên nhân bổ sung cho các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy; và một điều tất yếu, khi tội phạm ma túy gia tăng thì cũng kéo theo nhiều tệ nạn khác như mại dâm, buôn bán ma túy, đe dọa đến tình hình an ninh trật tự xã hội, đến cuộc sống lành mạnh của người dân và làm băng hoại đạo đức của xã hội.

 

Một điều hiển nhiên, khi nhu cầu dùng ma túy ngày càng tăng, gia đình không thể đáp ứng được về tiền bạc, thì đa số các đối tượng đều phải trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, kể cả giết người để có tiền mua ma túy. Dựa vào báo cáo mới nhất của Sở Lao Động và Thương Binh Xã Hội, 90% tội phạm ở Sài Gòn là nghiện ma túy. Cũng theo Sở LĐ&TBXH, trong 5 năm (2010 - 2014), số người nghiện tại Sài Gòn tăng bình quân là 17,5%/năm, có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

 

Ở Đồng Nai trong thời gian qua, có nhiều trường hợp do không có tiền thỏa mãn cơn “đói thuốc,” con nghiện chuyển sang mua bán ma túy, từ đó góp phần gieo rắc “cái chết trắng” cho nhiều người khác. Một điều chắc chắn rằng khi lên cơn, người nghiện dám làm bất cứ việc gì, kể cả giết người để đáp ứng được cơn vật vã.

 

3. Ảnh hưởng trên nền kinh tế


Trước hết, ma túy gây tổn hại nghiêm trọng về mặt kinh tế cho chính bản thân người nghiện khi họ luôn có xu hướng tăng liều lượng dùng, chi phí về tiền của ngày càng lớn dẫn đến họ bị khánh kiệt về kinh tế. Khi bản thân người nghiện không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ma túy cho riêng mình, họ có thể tiêu tốn tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình vào việc mua ma túy. Hơn nữa, gia đình còn tốn thêm chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh cho người nghiện và chi phí giúp cai nghiện.

 

Với xã hội, hàng năm, nhà nước phải chi hằng trăm tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cần sa; chi phí cho công tác tổ chức cai nghiện ma túy, xây dựng và phát triển các trung tâm cai nghiện; chi phí cho hoạt động kiểm soát ma túy ở biên giới, điều tra truy tố, xét xử tội phạm về ma túy; chi phí cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống và kiểm soát ma túy; chi phí dự phòng và chăm sóc y tế.

 

Theo thống kê của Cơ quan Thường trực phòng chống ma túy thì đến tháng 6/2015, cả nước có trên 200.134 người nghiện có hồ sơ quản lý, nếu trung bình một ngày một người nghiện dùng hai tép heroin (mỗi tép giá 100.000đ), thì một năm tổng số người nghiện đã tiêu tốn trên 240 tỷ đồng. Khi số người nghiện trên tái nghiện thì số tiền tiêu phí sẽ lớn hơn rất nhiều. Ngoài ra, ngân sách nhà nước phải chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống tái nghiện, trả lương cho nhân viên làm công tác phòng chống tệ nạn ma túy, chưa kể tiền của gia đình người nghiện đóng góp thêm vào. Hơn nữa, người nghiện và người tái nghiện làm tổn thất một nguồn nhân lực rất lớn cho phát triển kinh tế vì đa số người nghiện đều đang trong độ tuổi lao động. Sự gia tăng số người nghiện ma túy hiện nay đòi hỏi phải có thêm cơ sở cai nghiện và các dịch vụ chữa trị khác. Ngoài những thiệt hại trực tiếp về kinh tế vừa nêu trên, ma túy còn gây ra những thiệt hại gián tiếp khác như làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm.

 

III. CẢM NHẬN


Vấn đề ma túy là một trong những vấn đề trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Ma túy chính là nguyên nhân của sự suy đồi luân lý đạo đức và làm xói mòn các tương quan bản vị. Hậu quả của việc dùng ma túy không chỉ giản lược vào một cá nhân người nghiện, nhưng còn ảnh hưởng tới sự thanh bình của gia đình và xã hội mà giới trẻ chính là nạn nhân tiềm năng của ma túy. Đa phần đều nhìn nhận giới trẻ là tương lai của xã hội, nhưng đáng tiếc xã hội ngày nay lại quá nhiều cạm bẫy và nhiều kiểu rủ rê họ vào lối sống hưởng thụ, sống vô cảm, sống thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng các mối tương quan giữa người với người. Xã hội dường như chưa thi hành tốt vai trò giúp họ trưởng thành, giúp họ tìm ra chỗ đứng trong xã hội và giúp họ khám phá ra ý nghĩa cuộc sống; để khi lớn lên họ cảm thấy trống rỗng, mất định hướng, hoang mang trong việc xác định phẩm giá của mình, từ đó đi đến nổi loạn, tìm đến với ma túy nhằm lấp đầy sự trống rỗng bên trong của mình.

 

Trong vai trò của người mẹ hiền, Giáo Hội lo lắng cho hạnh phúc của con cái mình. Giáo Hội nhận ra mình cần phải làm một cái gì đó để giúp các nạn nhân của ma túy nhận thấy rằng họ xứng đáng được tôn trọng và được nhìn nhận là các bản vị con người, chứ không phải là một vấn đề, một trường hợp cần phân tích hay một cái gì đó ghê tởm cần né tránh; họ là những người cần được yêu thương, cần được giúp đỡ để họ khám phá ra nét phong phú riêng của họ, chứ không phải là một cá nhân cần nhồi sọ và điều kiện hóa. Đành rằng trong cuộc sống ai cũng mắc sai lầm, nhưng đừng chỉ nhìn vào sai lầm như một điều sỉ nhục, đáng xấu hổ. Thật ra, nếu không có sai lầm thì không thể nào có được những thành công ngọt ngào; nếu không có “đi hoang” thì không cảm nhận được niềm vui của ngày “trở về.”

 

Trong lãnh vực tâm linh, Giáo Hội luôn đặt niềm tin song hành với chương trình giáo dục nhằm phục hồi nhân phẩm người nghiện; vì thể, để giúp người nghiện có cơ hội “trở về” làm lại cuộc đời, ngoài những trung tâm cai nghiện của nhà cầm quyền, nhiều giáo xứ và một số tu sĩ cũng đã lập ra những trung tâm giúp cai nghiện ma túy dựa vào đức tin. Phương pháp cai nghiện đặc biệt này nhằm giúp đưa người nghiện đến với Chúa Giêsu qua cầu nguyện, vì tin rằng chính Ngài là Đấng giải cứu các người nghiện thoát ra khỏi sự ràng buộc của ma túy. Vì một khi họ chạm vào được Chúa Giêsu và cảm nhận được tình thương vô bờ bến của Ngài, thì khi ấy việc từ bỏ ma túy không còn là vấn đề nan giải.

 

Kinh nghiệm “trở về” của thầy Daniel Maria Piras - thầy dòng Phanxicô, là một minh chứng cụ thể cho việc cai nghiện ma túy theo phương pháp cầu nguyện. Bảy năm trời bị ma túy hành hạ và đeo bám không lối thoát, một ngày nọ, thầy Daniel đã can đảm tìm đến với một vị linh mục và kể với cha: “Con là một người nghiện ngập và đã rơi xuống tận đáy vực, con không biết làm sao để thoát ra. Xin cầu cùng Chúa Giêsu cho con.” Sau khi vị linh mục và những người chung quanh cầu nguyện, thầy nhận ra một sự thay đổi lạ lùng trong tâm hồn và thầy tin đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thầy đã được chữa lành thật sự nhờ lời cầu nguyện, điều mà thầy chưa bao giờ làm và tin trước kia vì nghĩ mình tự giải quyết được vấn đề của mình. Không lâu sau khi được chữa lành, thầy Daniel đã được mời đến tu viện Thánh Phanxicô ở Assisi để dự một khóa học về ơn gọi. Lạ lùng thay, chính tại khóa học này mà thầy Daniel được Chúa tác động và nảy sinh niềm ao ước được hiến thân cho Chúa và thầy đã gia nhập tu viện sau đó.

 

Cũng bằng phương pháp cầu nguyện, các sư huynh Dòng Thánh Gioan đã lập ra trung tâm cai nghiện ma túy ở miền Bắc Châteauroux, vùng Indre, van điều hành nhịp sống của trung tâm dựa trên cầu nguyện. Đó là trung tâm cai nghiện Besses, tiếp nhận các thanh niên từng bị trói buộc bởi ma túy và nay muốn được thoát khỏi nó. Những người nghiện đã tình nguyện đến trung tâm này để cai nhờ vào phương pháp cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là trọng tâm lịch sinh hoạt trong ngày. Một ngày mới của trung tâm cai nghiện khởi đầu bằng kinh cầu Đức Mẹ Thương Xót lúc 6g40 sáng, sau đó những người cai nghiện cùng nhau đi lần chuỗi trên những con đường chung quanh trung tâm. Họ sốt sắng lần hạt, với một xác tín, với một lòng tin tưởng. Cứ mỗi lời cầu nguyện là một ý chỉ, lần lượt họ cầu nguyện cho một người bạn, cho gia đình, cho một sư huynh của Dòng Thánh Gioan, cho ngày hôm nay, cho những ngày đã qua, v.v. Như thế lần chuỗi mở đầu một ngày để chuẩn bị cho công việc trong ngày. Họ còn đọc kinh trước và sau khi ăn. Họ cũng cầu nguyện trong thánh lễ ngày Chúa Nhật và đọc kinh chiều.

 

Kết hợp với cầu nguyện là những công việc chăn nuôi, trồng trọt. Lao động chân tay giúp các bạn trẻ ở đây nhận thức được mình vẫn còn hữu ích cho cộng đoàn và xã hội. Hơn nữa các sư huynh muốn giúp các bạn trẻ phải quay về được với thực tế, phải yêu thực tế và phải chấp nhận quá khứ của mình, không được trốn tránh hay phủ nhận con người của mình ngày trước. Họ phải cảm thấy mình còn hữu ích và nhất là được yêu thương, chấp nhận con người của mình và những gì mình đã làm. Các bạn trẻ ở đây còn được giáo dục về đức tin để họ biết tin vào chính họ, tin vào các sư huynh, tin vào Giáo hội, tin vào Thiên Chúa và tin vào những người giúp họ thoát khỏi con đường cùng, để sau khi được chữa lành, họ có bổn phận giúp đỡ lại những người khác để tất cả đều được chữa lành.

 

Một kinh nghiệm đức tin nữa đã được chia sẻ rộng rãi từ một gia đình Công Giáo đạo đức thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Kỳ Đồng; gia đình này đã dựa vào đức tin, vào lời cầu nguyện để cứu người con trai thoát khỏi ràng buộc của ma túy. Từ khi con trai vướng vào ma túy, tiếng đọc kinh trong nhà vang lên đều đặn hơn dưới ánh sáng của Lời Chúa và niềm cậy trông vào Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp qua lời Kinh Mân Côi. Hằng ngày, người mẹ thường thức khuya, dậy sớm và ăn chay cầu nguyện theo lời dạy của Đức Mẹ Mễ Du để nguyện xin cho con mình được cứu. Còn người cha thì thường xuyên gặp gỡ các linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế để được tham vấn cách đồng hành cùng con và tìm cách chữa trị cho con. Trong suốt 5 năm kiên trì trong nguyện cầu và hy sinh của các thành viên trong gia đình và của những người thân, cuối cùng những hy sinh đó đã được đền đáp bằng sự “trở về” của người con thân yêu. Cả gia đình đều xác tín rõ chính Chúa đã thương cứu vớt và chữa lành cho con trai họ.

 

Quả thật ma túy đã trở thành một thách đố lớn mà gia đình, xã hội và Giáo Hội đang phải đương đầu. Để tránh những thảm hại do ma túy gây ra, cần lắm sự liên đới chặt chẽ giữa nhà cầm quyền, tôn giáo, gia đình, nhà trường và xã hội. Bỏ qua vai trò của tôn giáo, ngăn cản tôn giáo tham gia vào lãnh vực giáo dục, ngăn cản việc tạo ra những môi trường, những cơ hội giúp người trẻ nhận ra chân giá trị thật của bản thân họ, giúp họ thấy đâu là điều tốt đẹp có thể làm cho mình, cho gia đình và xã hội, xứng đáng với giá trị của con người họ, thì việc chỉ mời gọi xã hội, gia đình hay tôn giáo tiếp tay khi sự việc đã rồi, khi người trẻ đã trở thành nô lệ của ma túy là điều rất khó khăn và phức tạp. Nên cần phải có sự cộng tác sâu rộng bao gồm mọi cơ cấu, phương pháp và nhân sự thì mới mong chiến thắng được tệ nạn trầm trọng này.

 

Trích từ Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 109 (tháng 11 & 12 năm 2018)

 ____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:


1.  Annabel Boys, et al (2001). Understanding reasons for drug use amongst young people: a functional perspective. Health Education Research, Volume 16, Issue 4, 1 August 2001, Pages 457-469

 

2.  Cai nghiện và các sư huynh Dòng Thánh Gioan. Xem 17/09/2018, từ phanxico.vn

 

3.  Công tác xã hội với người nghiện ma túy. Xem 15/9/2018, từ tailieu.vn

 

4.  Daniel Maria Piras, từ thanh niên nghiện ngập trở thành tu sĩ Phanxicô. Xem 17/09/ 2018, từ gpbanmethuot.com

 

5.  Hoàng Lam (2018), Con bất hiếu, cha thành kẻ giết người, từ dantri.com.vn

 

6. How Addiction Changes Your Personality (2017), từ mountainside.com

 

7.  Lưu Minh Trị (2000). Hiểm họa ma túy - Nhận biết và hành động. Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội.

 

8.  Margaret O. et al. (2009). Giới trẻ và Ma Túy: 101 Vấn Đề Cần Biết (Đỗ Kim Chi dịch). Nhà Xuất Bản Tri Thức, Hà Nội.

 

9.  Nguyễn Xuân Yêm và Trần Văn Luyện (2002). Hiểm họa ma túy và cuộc chiến mới. Nhà Xuất Bản CAND, Hà Nội.

 

10. Phan Thị Mỹ Hạnh (2016). Quản lý Nhà Nước về công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, Luận án tiến sĩ quản lý hành chính công, Học Viện Hành Chính Quốc Gia.

 

11. Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng (2018). từ thoibaotaichinhvietnam.vn

 

12. Thomas Peter. F. et al (2013). The Destructive Capacity of Drug Abuse: An Overview Exploring the Harmful Potential of Drug Abuse Both to the Individual and to Society. ISRN Addiction, Volume 2013, 6 page, từ doi.org

 

13. Wani MA and Sankar R (2016). Impact of Drug Addiction on Mental Health. J Ment Disord Treat 2:110. doi:10.4172/2471-271X.1000110, từ omicsonline.org